Nhật Bản ngăn Foxconn và TSMC thâu tóm bộ phận bộ nhớ Toshiba

Công nghệ - Ngày đăng : 15:22, 11/03/2017

(HNMO) - Chính phủ Nhật Bản đang triển khai việc đánh giá mức độ an toàn trong thương vụ thâu tóm bộ phận sản xuất bộ nhớ của Toshiba. Theo giới chuyên môn, kết quả đánh giá sẽ tạo lợi thế cho các công ty Mỹ và chặn đứng cơ hội tham gia của hai công ty Đài Loan là Foxconn và TSMC.




Về luật, chính phủ các nước hoàn toàn có quyền sử dụng các quy định về giao dịch và thương mại với nước ngoài để kiểm soát các vụ đấu thầu nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, dĩ nhiên là trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản hiện nay, chỉ có Mỹ là đối tác được xếp vào hàng tuyệt đối an toàn ở khía cạnh an ninh quốc gia. 

Chính vì thế, không lạ khi ngay cả ban lãnh đạo Toshiba cũng giữ vững nhận định rằng chỉ có các nhà thầu Mỹ mới "phù hợp" để tham gia vụ thâu tóm. Hiện tại, hãng điện tử Nhật Bản đang cố gắng bán bộ phận sản xuất bộ nhớ của mình nhằm gỡ lại khoản lỗ khổng lồ từ dự án lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ. 

Hồi đầu tuần qua, nhiều kênh tin công nghệ cho biết hai hãng sản xuất hàng đầu Đài Loan là Foxconn và TSMC (đều là nhà cung ứng thiết bị gốc cho Apple) không chỉ quan tâm tới việc đấu thầu chung để thâu tóm bộ phận sản xuất bộ nhớ của Toshiba, mà còn tính tới chuyện hợp tác về lâu dài. 

Điều đó sẽ cho phép họ đáp ứng tốt hơn các đơn hàng khổng lồ từ phía Apple - thậm chí là "bao" trọn mọi thứ: từ chip xử lý, màn hình, bộ nhớ cho tới việc lắp ráp thành phẩm... nhằm cắt giảm chi phí. Ngoài Đài Loan, việc từ chối các đối tác ngoài Mỹ cũng đồng nghĩa Toshiba sẽ quay lưng lại với cả các nhà thầu Hàn Quốc (điển hình như SK Hynix).  


Như vậy, những cái tên tiềm năng có cơ hội thâu tóm lại bộ phận sản xuất bộ nhớ của Toshiba vào lúc này sẽ chỉ còn Bain Capital, Western Digital. Trước đây, Apple từng được coi là một "ứng cử viên" tiềm năng. Tuy nhiên, chi phí và những thách thức khó đoán định khi tham gia vào thị trường bộ nhớ khiến họ không còn mấy hào hứng. 

Thực tế, việc chính phủ Nhật Bản viện tới vấn đề an ninh quốc gia để chặn các nguồn đầu tư nước ngoài cũng là điều hiếm thấy. Lần gần đây nhất là vào năm 2011, khi Tokyo đã dừng dự án thâu tóm Olympus với lý do các thiết bị quang học của nhà sản xuất máy ảnh này được sử dụng trong khí tài quân sự. 

Nguyễn Thúc Hoàng Linh