Giết mổ gia cầm ở chợ nội thành: Cấm cũng như không
Xã hội - Ngày đăng : 07:58, 11/03/2017
Buôn bán và giết mổ gia cầm không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. |
"Điếc không sợ súng"
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, ngày 22-6-2007, thành phố đã có Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND về việc cấm giết mổ gia cầm tại các quận. Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại một nghịch lý, trong khi các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương tuyên truyền mạnh về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm thì người tiêu dùng dường như "điếc không sợ súng". Hằng ngày, các hoạt động mua, bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra ngang nhiên ngay tại các chợ. Theo nhận định của Phó Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay, việc buôn bán, giết mổ tùy tiện ở các chợ nội thành sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nghiêm trọng bởi mật độ dân cư đông, dễ xảy ra lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người.
Có mặt tại chợ Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa ngày 10-3, khi cả phường đang triển khai quyết liệt việc lấn chiếm lòng, hè đường ở các tuyến đường Xã Đàn, Nguyễn Lương Bằng, hoạt động kinh doanh tại chợ vẫn diễn ra bình thường. Theo quan sát của phóng viên Hànộimới, chợ có khoảng 5-6 hộ bán gia cầm, mỗi bu gà có từ 10 đến 20 con, giết mổ ngay tại chợ với những chậu nước cáu bẩn. Sau khi giết mổ xong, toàn bộ lông, lòng, phân gia cầm được tiểu thương gom vào túi rác, còn nước xả thẳng ra đường đi. Tại chợ cóc khu tập thể công an, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cũng trong tình cảnh tương tự, dù chỉ có 2 hộ bán và giết mổ gia cầm nhưng khu vực giết mổ nằm cạnh nhà dân, xen lẫn với nơi bán hàng khô, rau, củ quả, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trao đổi về những khó khăn trong công tác quản lý, xử lý các hộ giết mổ tại chợ nội thành, ông Bạch Đăng Công, Chủ tịch UBND phường Văn Quán (quận Hà Đông) - một địa bàn cũng đang tồn tại bất cập này cho biết, phường đang ra quân dẹp bỏ các điểm giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc ở các chợ cóc. Tuy nhiên, các phường rất khó giải quyết vì lực lượng mỏng nên việc xử lý triệt để rất khó khăn. Thậm chí nhiều trường hợp khi xử lý ở phường này, chủ hộ kinh doanh di chuyển sang phường khác để buôn bán giết mổ.
Chị Nguyễn Thị Anh, cán bộ thú y phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết, hai tháng đầu năm 2017 phường đã xử lý các trường hợp giết mổ gia cầm không đúng nơi quy định, tịch thu tiêu hủy 80 con gia cầm sống. Nhưng do thói quen tiêu dùng của người dân khiến công tác quản lý vô cùng khó khăn. Thậm chí, tiểu thương còn gửi gia cầm sống vào các nhà dân gần chợ để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Tuyên truyền đi đôi với xử lý nghiêm
Để ngăn chặn mọi trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định, muốn giải quyết tận gốc tình trạng giết mổ gia cầm tại các chợ nội thành, chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế hiện nay, tình trạng Đoàn kiểm tra vừa đi, các hộ kinh doanh trở lại "hành nghề" tiếp đang diễn ra khá phổ biến ở các chợ. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng này, chính quyền địa phương cần thành lập các đội tự quản thường xuyên giám sát, tịch thu, tiêu hủy các trường hợp cố tình vi phạm mới cho hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Anh, cán bộ thú y phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện Đoàn kiểm tra liên ngành của phường duy trì trực từ 6h sáng đến 18h để xử lý triệt để các trường hợp cố tình giết mổ gia cầm tại chợ. Tuy nhiên, để xử lý tận gốc vấn đề này, ngay tại các cửa ngõ vào Thủ đô, các sở, ban, ngành nên tham mưu cho thành phố xây dựng điểm giết mổ đúng quy định để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Còn Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết: Song song với việc xử lý các điểm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, quận đã chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý các điểm giết mổ gia cầm mất vệ sinh tại các chợ cóc trên địa bàn, tuy nhiên việc xử lý rất khó khăn bởi thói quen của người tiêu dùng thích sử dụng gia cầm sống nên các điểm giết mổ gia cầm vẫn tồn tại ở các chợ.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để có sự đồng thuận của người dân. Chỉ khi người tiêu dùng bỏ thói quen trong sử dụng gia cầm sống mới giải quyết tận gốc vấn đề này nhằm thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng dân cư" - ông Phụng nhấn mạnh.