Thực hiện quyết liệt, liên tục

Đời sống - Ngày đăng : 08:02, 11/03/2017

(HNM) - Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, Hà Nội quyết tâm thiết lập trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, trả lại đường thông, hè thoáng.


Ông Nghiêm Xuân Giao - Chủ tịch UBND phường Hàng Mã:
Bền bỉ tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm

Từ năm 2014, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", đến nay công tác đô thị vẫn luôn được phường duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, cái khó của địa bàn là khu vực "phố cổ, phố cũ" đan xen, xây dựng, quy hoạch đã lâu... Mật độ dân số tăng lên, cùng với hoạt động buôn bán tấp nập, không chỉ tập trung người dân trên địa bàn mà còn có du khách tham quan, mua bán, du lịch… Vì vậy, vấn đề TTĐT, TTATGT và vệ sinh môi trường vẫn là một thách thức lớn. Song, xác định đây là công tác dài hơi, liên tục nhằm tiến tới xây dựng các tuyến phố văn minh, nên bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân, các lực lượng chức năng phường cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, trên tinh thần kiên quyết xử lý sai phạm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng hình ảnh đô thị văn minh...

Tổ tự quản số 2 cùng Hội CCB khu dân cư số 1 phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) ra quân tuyên truyền lập lại trật tự vỉa hè. Ảnh: Viết Thành


Ông Bùi Văn Luân - Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền:
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân

Phường Tràng Tiền trải rộng trên 31 tuyến phố. Nằm ở địa bàn trung tâm, nhiều năm nay công tác quản lý đô thị luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân được đặt lên hàng đầu. Để làm tốt điều này, tại mỗi địa bàn khu dân cư đều thành lập Tổ công tác 02 (Tổ tự quản, Tổ trưởng là Trưởng ban Công tác Mặt trận), thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân trong khu phố. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Ngoài ra, sáng thứ bảy hằng tuần, sau phong trào tổng vệ sinh, việc họp giao ban, tổng kết công tác trong tuần: TTĐT, vệ sinh môi trường cũng được tổ chức để rút kinh nghiệm cụ thể. Vì vậy, trên địa bàn phường, vỉa hè luôn được thông thoáng. Tuy nhiên, đôi lúc vào thời điểm giao ca, người dân thiếu ý thức vẫn cố tình vi phạm. Do vậy, gần đây phường đã tổ chức tăng ca, giao thêm trách nhiệm cho lực lượng tự quản... Trong 2 tháng đầu năm nay, UBND phường đã xử lý 226 trường hợp, phạt 120 triệu đồng, chủ yếu là các vi phạm để xe sai quy định, bán hàng lấn chiếm vỉa hè.

Bà Vũ Phương Thảo (P812 ĐN3 KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai):
Tránh “đánh trống bỏ dùi”!


Tình trạng trưng biển quảng cáo, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, xe ô tô dừng đỗ tùy tiện dưới lòng đường... ở Hà Nội giống như một "sân phơi" mùa hè của người nông dân với đầy rơm rạ, lúa, ngô lộn xộn... Vì thế, sự ra quân mạnh mẽ, xử lý kiên quyết của các cấp chính quyền đã tạo hiệu quả rõ nét và lâu bền nhằm bảo đảm TTĐT, TTATGT, trả lại vỉa hè dành cho người đi bộ khiến người dân Thủ đô phấn khởi và ủng hộ. Chúng tôi mong rằng, với sự vào cuộc lần này, TP Hà Nội sẽ xử lý quyết liệt tình trạng vi phạm; không để xảy ra tình trạng "đánh trống bỏ dùi"; cần duy trì tốt "thành quả" sau xử lý để Thủ đô ngày càng văn minh, sạch đẹp.

Bà Nguyễn Lan Anh (số 65 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm):
Hỗ trợ cho người kinh doanh


Việc lập lại TTĐT, giữ gìn đường thông, hè thoáng, môi trường sống sạch đẹp là điều ai cũng mong mỏi. Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực phố cổ "phố chật, người đông", hoạt động buôn bán, kinh doanh gắn liền với hè phố..., thì mong các cấp chính quyền có biện pháp hỗ trợ cho người kinh doanh. Cụ thể, chúng tôi luôn chấp hành yêu cầu không bày bán lấn chiếm vỉa hè, không treo gắn biển, bảng hiệu quảng cáo tràn lan, quá khổ… Song chúng tôi mong muốn chính quyền sở tại sớm có giải pháp dài hạn, tháo gỡ khó khăn về nơi gửi xe của khách đến mua hàng hóa để tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Dạ Khánh