Ngân hàng tăng lãi suất huy động do thiếu vốn?
Tài chính - Ngày đăng : 08:42, 11/03/2017
Hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank). Ảnh: Đức Minh |
Lãi suất huy động tăng nhẹ
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng được áp dụng lãi suất 6,6-7%/năm, tăng 0,1-0,2%/năm so với trước. Hiện mức lãi suất cao nhất của OCB là 7,7% cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Trước đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) công bố biểu lãi suất mới, điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) điều chỉnh lãi suất 0,05-0,8%/năm cho chương trình “Thần tài gõ cửa” với khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn từ một tháng trở lên... Cùng với OCB, Eximbank, VietBank, một số ngân hàng khác cũng “rục rịch” tăng lãi suất huy động VND. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều khẳng định, hiện hệ thống ngân hàng hoạt động khá ổn định, việc ngân hàng tăng lãi suất không phải vì quá “khát” vốn hay thiếu thanh khoản, mà chỉ để đáp ứng điều kiện mới của NHNN về áp dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tháng 2 mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều biến động so với tháng trước. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại (như VPBank, DongA Bank, TPBank, Techcombank, Phương Đông, Eximbank) đã ghi nhận lãi suất huy động VND kỳ ngắn hạn tăng nhẹ 0,1-1,2%/năm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, một phần do tác động của quy định lãi suất tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 50% áp dụng kể từ ngày 1-1-2017 và nhu cầu cân đối nguồn trước Tết.
Thanh khoản ổn định
Được biết, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tính đến hết tháng 1 là 8.727 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2016. Khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 61,5% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính. Vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán cho nền kinh tế đạt 3.535 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2016. Về cung tín dụng cho nền kinh tế, tính đến ngày 31-1, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm, đây là tháng có tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm gần đây.
Số nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được xử lý còn ở mức khiêm tốn là một trong những nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm nhiều. Việc tín dụng tăng cao hơn (1,6%) trong khi huy động trong tháng 1 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái khiến tỷ lệ tín dụng/huy động bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng tăng từ mức 86,8% cuối năm 2016 lên 88,2%. Thanh khoản của hệ thống căng thẳng nhẹ thời gian qua cũng được thể hiện trên thị trường liên ngân hàng, biểu hiện bằng việc lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức khoảng 5% trong tháng 1 và giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm trong tháng 2, cũng như việc NHNN bơm ròng hơn 200,311 nghìn tỷ đồng trong tháng 1 nhằm hỗ trợ thanh khoản của hệ thống. Sang tháng 2, khi thanh khoản ổn định trở lại, NHNN đã hút về khoản tương ứng 202,943 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2017, NHNN đã bơm ròng khoảng 30.000 tỷ đồng.
Rõ ràng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ổn định, nên việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động VND không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường, bởi trên thực tế những ngân hàng tăng lãi suất chỉ có quy mô nhỏ. Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm (từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); 5,4-6,5%/năm (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng). Mặt bằng lãi suất cho vay: 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung và dài hạn).
Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách vay, nhưng bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động.