Kỳ vọng từ hướng đi mới
Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 12/03/2017
Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) là một trong số nhà văn hóa phát huy hiệu quả công năng sử dụng. Ảnh: Thái Hiền. |
Vừa thừa, vừa thiếu
Ở Hà Nội, hệ thống NVH được phân theo 4 cấp độ: Thành phố; quận, huyện, thị xã; xã, phường và thôn, tổ dân phố. Khảo sát của Sở VH-TT Hà Nội cho thấy, ngoài Trung tâm Văn hóa thành phố hoạt động đều đặn, các trung tâm văn hóa, NVH cấp quận, huyện chủ yếu hoạt động theo kỳ cuộc, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. 50% NVH cấp quận, huyện đã xây dựng hơn 20 năm, không đạt chuẩn về diện tích và cơ sở vật chất.
Quận Nam Từ Liêm, huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa hiện chưa có NVH. Ở cấp xã, phường, tỷ lệ NVH mới “phủ sóng” được 18%. Hầu hết NVH xã, phường mới được trang bị vật dụng cơ bản, không có trang thiết bị, đạo cụ phục vụ các hoạt động, sinh hoạt chuyên sâu. Trong khi đó, NVH thôn, tổ dân phố tuy phân bố rộng, nhưng không đều. Ở nội thành, số tổ dân phố có NVH mới đạt 27,5%, trong khi tỷ lệ này ở ngoại thành là 82,5%. Đáng nói hơn, Hà Nội mới có 400 trong số gần 3.700 NVH thôn, tổ dân phố đang tồn tại đạt chuẩn.
Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ quản lý, khai thác, vận hành hệ thống NVH cơ sở cũng thiếu và yếu. NVH xã, phường thường do Phó Chủ tịch hoặc cán bộ văn hóa xã hội phụ trách. NVH thôn, tổ dân phố do trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm. Những đối tượng này ít được đào tạo chuyên môn về văn hóa, lại kiêm nhiệm quá nhiều công việc nên khó chuyên tâm đưa các hoạt động của NVH đi vào chiều sâu. Điều đó lý giải vì sao nhiều địa phương có NVH nhưng chưa khai thác hết công năng, gây lãng phí.
“Hệ thống NVH rất cần thiết, hữu ích cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu NVH không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nhận định.
Cần tôn trọng tính đặc thù
Mong muốn mang đến cho người dân Thủ đô đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, thành phố giao Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng xây dựng Đề án “Hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở”. Theo dự thảo, Đề án bao gồm: Xây dựng quy hoạch và kế hoạch; khung pháp lý; cơ chế kinh tế - tài chính; cơ chế tổ chức nguồn nhân lực; cơ chế về hợp tác và quan hệ quốc tế… Những giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vận hành hiệu quả. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống NVH cơ sở; phấn đấu 100% thôn, tổ dân phố có NVH hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng vào năm 2020.
Ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết, hoạt động của NVH cơ sở sẽ hướng tới sự đa dạng, gắn liền với việc tổ chức các hoạt động để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Kinh phí duy trì hoạt động NVH được tạo từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn xã hội hóa. Bộ máy vận hành NVH sẽ là ban chủ nhiệm, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Chức danh chủ nhiệm do dân cử hoặc có thể thuê khoán. Với những NVH hoạt động tốt có thể xây dựng nhiều nhóm nhân sự khác nhau như nhóm tổ chức hoạt động, nhóm gây quỹ, nhóm đối nội, đối ngoại…
Đồng tình với hướng giải pháp trên, song ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị, mục tiêu và các giải pháp đưa ra trong Đề án cần chú trọng tới yếu tố đặc thù. Bởi, nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của người dân ở khu vực nội thành và ngoại thành khác nhau. Hơn nữa, các quận hiện không còn quỹ đất để bảo đảm 100% tổ dân phố có NVH. Việc xây dựng Đề án cần chú trọng tới yếu tố đặc thù, cần dự báo xu hướng phát triển trong 10 đến 20 năm tới cũng là quan điểm của đại diện lãnh đạo nhiều địa phương.
Trước khi xây dựng Đề án chung, huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Long Biên… đã có các quy chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NVH trên địa bàn. Các địa phương nêu trên đã khuyến khích, tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất NVH. Các thôn, làng chủ động bầu Ban chủ nhiệm, gồm 3 đến 5 người có uy tín, chuyên môn tham gia quản lý, vận hành NVH. Tại huyện Đan Phượng, chủ nhiệm NVH được huyện hỗ trợ từ 4 đến 5 triệu đồng/năm. “Bằng cách này, nhiều NVH trên địa bàn huyện đã khai thác được tối đa công năng, giá trị sử dụng. Tình trạng thiếu hụt về nhân lực có chuyên môn, giàu nhiệt huyết bước đầu được khắc phục”, bà Nguyễn Thị Hộ, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Đan Phượng, cho hay.
Từ thực tế trên cho thấy, Hà Nội xây dựng Đề án “Hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố tới cơ sở” là cần thiết, kịp thời. Việc thực thi Đề án sớm sẽ mở ra hướng phát triển mới cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.