Xác định rõ trách nhiệm của cơ sở
Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 13/03/2017
Còn nhiều việc phải làm
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011-2016 thực thi Luật ATTP, cả nước đã tiến hành hơn 3 triệu lượt thanh, kiểm tra cơ sở, số vi phạm chiếm khoảng 20%. Số lượt thanh tra, hậu kiểm đã tăng gấp 1,5-2 lần so với các năm trước và số vụ xử lý năm sau tăng hơn năm trước từ 10 đến 20%.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. |
Trong đó tại TP Hồ Chí Minh, sau 5 năm thực hiện Luật ATTP, cơ quan chức năng thành phố đã lập hơn 2.000 đoàn thanh tra 283 nghìn cơ sở thực phẩm, phát hiện hơn 73,5 nghìn cơ sở vi phạm. Trong đó, hơn 33 nghìn cơ sở bị xử phạt với số tiền lên tới hơn 110 tỷ đồng (cả nước là hơn 133 tỷ đồng), đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 23 nghìn tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Công tác triển khai thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã cũng được tăng cường. Sau hơn một năm thực hiện, có tới 1.527 cơ sở bị thanh tra và tới 46% (702 cơ sở) sai phạm. Trong năm 2016 các cơ quan chức năng của thành phố đã chuyển hồ sơ, đề nghị khởi tố 2 vụ vi phạm về ATTP sang cơ quan điều tra.
Cùng với tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện vi phạm, thành phố nỗ lực bảo đảm ATTP từ nơi sản xuất, nuôi trồng cho đến nơi chế biến, kinh doanh. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện tại 4.998/5.000 hộ nông dân trồng rau và 1.747 hộ chăn nuôi (tỷ lệ 100%) đã ký cam kết với UBND phường, xã về chấp hành các quy định ATTP.
Thực phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh khác khi nhập vào TP Hồ Chí Minh được giám sát khá chặt chẽ từ khâu vận chuyển, kiểm dịch động vật đến giết mổ, bày bán. Đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thành phố đã cấp hơn 28,4 nghìn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cơ bản ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đã được nâng cao trong thời gian qua.
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như việc xử lý, thanh tra vi phạm pháp luật về ATTP chưa nghiêm, mức phạt chưa đủ sức răn đe, số tiền phạt tại cơ sở tính ra trên mỗi vụ rất thấp. Trách nhiệm người đứng đầu địa phương cũng chưa được nêu cao khi để địa bàn liên tục vi phạm về ATTP. Hệ thống nhân sự xã, phường hiểu biết về ATTP còn hạn chế do chủ yếu là kiêm nhiệm, do đó tăng cường biên chế chuyên trách ATTP tại cơ sở.
Vấn đề ATTP hiện nay tại nhiều địa phương đã đi đến “giới hạn đỏ”. Để xảy ra tình trạng mất ATTP do cơ chế pháp luật chưa phù hợp, cần sửa đổi từ Luật ATTP đến Bộ luật Hình sự, đưa hành vi cố ý vi phạm vào xem xét trách nhiệm hình sự chứ không xử phạt hành chính như trước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Bổ sung luật, phân cấp quản lý
Bà Nguyễn Thị Thu kiến nghị với Quốc hội đánh giá lại Luật ATTP sau 5 năm thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi bổ sung Luật Hình sự theo hướng quy định rõ hình phạt tương ứng với mức độ vi phạm và hậu quả. Việc bố trí kinh phí bảo đảm mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý cũng cần được lưu ý khi đầu tư ngân sách rất thấp và liên tục bị cắt giảm, bình quân 5 năm qua chỉ đạt gần 3.000 đồng/ người/năm. Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng hệ thống phòng kiểm nghiệm và bộ test nhanh kiểm tra ATTP tại hiện trường.
Từ mô hình quản lý ATTP tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần thiết phải có cơ quan lớn hơn Bộ để quản lý ATTP, tránh tình trạng “không ai nghe ai”. Đồng quan điểm trên nhưng ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không riêng tại TP Hồ Chí Minh mà các địa phương khác, việc quản lý thực phẩm ban đầu từ nông hộ, cơ sở giết mổ có tính chất nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn phức tạp. Số lượng nông hộ chiếm tỷ lệ rất lớn nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý cấp cơ sở. “Cần phải đưa ATTP trở thành tiêu chí chính để xem xét công nhận nông thôn mới”, ông Vũ Văn Tám nói.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, ngoài vấn đề văn bản pháp luật chưa sát với thực tiễn thì nguyên nhân cơ bản đến từ các cơ quan quản lý cơ sở chưa thực sự nắm bắt rõ kiến thức, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Luật ATTP. Từ đó, cần phải tiếp tục phân cấp nhiệm vụ quản lý, cụ thể hóa trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý và thực thi pháp luật về ATTP theo hướng tăng trách nhiệm và giao quyền chủ động. Đối với các địa bàn nóng về ATTP như TP Hồ Chí Minh, thí điểm thanh tra ATTP ở quận, huyện, phường, xã cần được nhân rộng, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP, trong đó tăng cường hơn nữa đầu tư bằng nguồn lực xã hội hóa.