Biến rác thành nguồn nguyên liệu có ích

Đời sống - Ngày đăng : 06:01, 13/03/2017

(HNM) - Mục tiêu của thành phố là kêu gọi đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải, biến rác thải thành nguồn nguyên liệu có ích.

Phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Phương Dung


Rác thải chủ yếu được chôn lấp

Theo số liệu từ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tại khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ đạt 72% (gần 3.900 tấn). Hà Nội hiện có 2 khu xử lý chất thải quy mô lớn là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), cùng một số bãi rác nhỏ như: Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)…

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, trong số gần 3.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý mỗi ngày, có tới 3.670 tấn (xấp xỉ 95%) được chôn lấp. Chưa kể mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn còn tiếp nhận hàng chục tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại (như vải vụn, nhựa, dầu thải, chất thải y tế…), phải sử dụng lò đốt loại nhỏ để hóa rắn trước khi chôn lấp. Thành phố cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến rác thải Cầu Diễn và Seraphin Sơn Tây. Tuy nhiên, hai nhà máy này chủ yếu tái chế chất thải rắn nên việc xử lý chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng chất thải hằng ngày.

Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, mặc dù có nhà máy xử lý nước rác, được các chuyên gia đánh giá đạt Quy chuẩn QCVN 5945-2005, song cũng không thể giải quyết triệt để sự tác động tới môi trường.

TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý không đạt yêu cầu.

Giải pháp cho phát triển bền vững

Mới đây, trong buổi tiếp bà Elisabeth Nilsson, Trưởng vùng Ostergotland cùng các doanh nghiệp Thụy Điển, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc áp dụng công nghệ hiện đại của Châu Âu để cải thiện môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ có nhà máy đốt rác chuyển thành năng lượng. Hiện đã có 3 khu vực trên địa bàn thành phố được quy hoạch nhà máy xử lý rác. Đồng thời, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tích cực làm việc, triển khai nhanh chóng, hiệu quả hợp tác với doanh nghiệp Thụy Điển, quốc gia mà 99% rác thải được xử lý thành năng lượng phục vụ đời sống nhân dân.

Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý và chuyển hóa rác thành năng lượng, sản phẩm có ích. Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện do Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng Nhật Bản (NEDO) tài trợ, áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để biến chất thải công nghiệp thành điện năng là ví dụ. Theo ông Nguyễn Xuân Huynh, Phó Tổng Giám đốc URENCO, dự án đã cơ bản hoàn thành, đang hiệu chỉnh hệ thống trang thiết bị trước khi vận hành. Nguyên lý hoạt động của nhà máy là các loại rác thải công nghiệp được đưa vào lò quay đốt ở nhiệt độ cao. Lượng nhiệt sinh ra được thu hồi, tạo thành hơi nước để chạy máy phát điện. Tuy nhiên, công suất của nhà máy nhỏ, chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại/ngày và tạo ra 1.930kW điện, rất khiêm tốn so với tổng lượng rác phát sinh.

Ngoài Thụy Điển, nhiều nước trên thế giới có công nghệ xử lý rác thải tiên tiến mà Hà Nội có thể áp dụng. Vấn đề đặt ra là nguồn lực để tiếp nhận, triển khai công nghệ xử lý tiên tiến đó. Được biết, chủ trương của TP Hà Nội là khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải để đạt được hiệu quả cao nhất. Theo TS Hoàng Dương Tùng, xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho xử lý chất thải là chủ trương đúng, song để thực hiện được phải kèm theo cơ chế, chính sách và lộ trình rõ ràng. Nhà đầu tư phải biết họ thu hồi vốn như thế nào, trong bao lâu? Họ được hưởng lợi gì? Điện năng làm ra từ việc xử lý rác nên được mua với giá cao hơn các nguồn khác để khuyến khích nhà đầu tư.

Cũng có ý kiến cho rằng, trước khi tính đến công nghệ xử lý hiện đại, có cách làm không mấy tốn kém và cần triển khai ngay là phân loại rác tại nguồn. Nếu làm được, một lượng không nhỏ rác tái chế trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; một lượng không nhỏ rác hữu cơ có thể chế biến thành phân bón cho ngành Nông nghiệp, thay vì tất cả đều chôn lấp như hiện tại. Điều này phù hợp với mục tiêu TP Hà Nội đặt ra là xây dựng một đô thị văn minh xanh - sạch - đẹp, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến.

Thanh Hải