Bài cuối: Không phải là quá khó

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 13/03/2017

(HNM) -

Điệp khúc tiền đâu?

Theo Sở GD-ĐT, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã đầu tư xây mới, cải tạo chống xuống cấp các NVS với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực về sự gia tăng quy mô HS và những yêu cầu từ thực tế cho thấy mức độ đáp ứng của hệ thống NVS tại các trường học hiện nay chưa đủ và không bảo đảm vệ sinh. Sự cần thiết phải có "tổng chiến dịch" cải tạo toàn bộ NVS xuống cấp để đạt chuẩn và xây mới bổ sung cho những nơi còn thiếu không thể chậm hơn nữa. Theo chủ trương của thành phố, 70% kinh phí đầu tư xây dựng NVS từ nay đến năm 2020 huy động từ nguồn xã hội hóa hoặc nguồn vốn của địa phương, phần còn lại ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ, đặc biệt ưu tiên cho các huyện còn nhiều khó khăn.

Xây dựng nhà vệ sinh chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Ảnh: Sơn Hà.
Theo kế hoạch, từ nay tới năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng, cải tạo khoảng 3.800 NVS xuống cấp, chưa đạt chuẩn và bổ sung xây mới NVS ở những trường còn thiếu theo tiêu chuẩn thiết kế; tổng kinh phí khái toán 466 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mỗi địa phương lại đón nhận chủ trương này với tâm thế khác nhau. Tại các quận - nơi có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, việc huy động sự chung tay của phụ huynh, các nhà hảo tâm là việc dễ làm, song với các huyện khó khăn, đây thực sự là một bài toán hóc búa. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, nguồn thu hằng năm của huyện còn khá thấp khiến việc đầu tư, huy động xã hội hóa xây dựng NVS trường học là quá khó khăn. Tương tự, tại huyện Hoài Đức có tới 117 NVS cần sửa chữa, nhưng ngân sách huyện hạn hẹp, cuộc sống người dân khó khăn, việc vận động thu góp không phải là chuyện nhỏ. Còn theo ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, huyện đang đối mặt với việc thiếu tới hơn 200 phòng học. "Các phòng học hiện có thì đã xuống cấp, không bảo đảm cho việc dạy - học nên thật khó để nghĩ tới việc đầu tư, huy động xây dựng NVS vào thời điểm này", ông Tôn than phiền.

Mối lo không chỉ dừng ở việc lấy đâu ra kinh phí xây dựng, mà còn nằm ở việc xoay xở đâu ra tiền để có thể duy tu, bảo dưỡng NVS thường xuyên. Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Việc xã hội hóa xây dựng NVS ở nhiều trường trên địa bàn rất được nhân dân ủng hộ, song việc thu phí bảo trì NVS còn băn khoăn. Bởi lẽ, trong ngân sách chi thường xuyên cho các nhà trường đã quy định hạng mục này”.

Cái khó ló cái khôn

Có mặt tại Trường THCS Việt Nam - Angieri (Thanh Xuân), khác hẳn với dự đoán của chúng tôi về mùi ẩm mốc thường thấy ở các NVS trường học, các khu "phụ" nơi đây đều sạch sẽ và khô thoáng. Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), dù quy mô nhà trường có tới gần 2.500 HS, song công tác giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực lớp học, các NVS rất tốt. Trường có 28 NVS, chia nam, nữ riêng biệt, có khu rửa tay để phục vụ HS. Hệ thống bồn cầu, vòi nước, nền gạch đều sạch bóng. Điều khác biệt dễ thấy là khi đi qua khu vệ sinh, nhất là sau giờ ra chơi của HS, không thấy tình trạng “tỏa mùi” khó chịu.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, để bảo đảm khung cảnh nhà trường không chỉ khang trang, xanh - sạch - đẹp và không mùi như hiện nay, thay vì thuê lao công như trước đây, nhà trường đã thuê đội ngũ nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp. 8 nhân viên vệ sinh được chia làm 2 ca, ca sáng từ 6h đến 14h, ca chiều từ 14h đến 20h, có sự giám sát của Ban giám hiệu, lãnh đạo công ty vệ sinh.

“Điều chúng tôi mừng nhất là dù số lượng HS đông nhưng tuyệt đối không có tình trạng HS đi vệ sinh sai chỗ, bỏ giấy lung tung hoặc xả nước bừa bãi. Sự thay đổi tưởng chừng nhỏ này, lại rất được phụ huynh lưu tâm và khen ngợi” - bà Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ.

Theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, sau khi khảo sát thực tế, nhận thấy ngoài nguyên nhân NVS mất vệ sinh vì quá tải, còn do đội ngũ lao công thiếu chuyên nghiệp. Điều này khiến việc dọn, rửa NVS dù có thường xuyên, thậm chí mắt thường nhìn thấy khá sạch sẽ, nhưng để bảo đảm đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không ảnh hưởng tới sức khỏe HS thì thực sự khó.

Trước thực tế đó, Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND quận chuyển công tác vệ sinh tại trường học sang mô hình vệ sinh công nghiệp. Nhà trường trả lương theo thỏa thuận, khối lượng công việc, phía công ty lo toàn bộ vật tư, trang thiết bị chuyên dụng như máy đánh bóng sàn, tường, dụng cụ cọ rửa, hút mùi, hút bụi…

Cái khó ló cái khôn, mô hình này được thí điểm tại một số trường từ tháng 10-2016 và chính thức triển khai đại trà từ tháng 1-2017. Điều đáng nói, để duy trì việc này, các nhà trường không phải thu thêm từ phía gia đình HS, kinh phí hoàn toàn trích từ ngân sách chi thường xuyên. Với những trường có quy mô lớn như Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, tổng mức chi cho công tác vệ sinh là 36 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều mức cũ 2,1 triệu đồng/tháng, song nhà trường hoàn toàn có thể lo được.

Mô hình vệ sinh công nghiệp không phải là mới, nhưng cái mới là đáp ứng được nhu cầu và giải tỏa nhiều bức xúc liên quan đến NVS tại trường học. Mô hình này đang được nhiều quận, huyện học tập để áp dụng, với cùng mong muốn đem đến cho HS một môi trường học tập trong lành, thân thiện, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.

Thống Nhất