Xử lý nghiêm để lập lại trật tự xây dựng
Bất động sản - Ngày đăng : 05:56, 13/03/2017
Công nhân phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. |
Hàng nghìn trường hợp vi phạm
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, nếu như năm 1990 cả nước mới chỉ có gần 500 đô thị với dân số gần 14 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa xấp xỉ 20%, thì đến nay tỷ lệ đô thị hóa đã đạt hơn 35%. Định hướng tới năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 1.000 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 52 triệu người đạt 50% dân số cả nước. Đô thị phát triển mạnh không chỉ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại có bản sắc. Để định hướng cho sự phát triển và tạo công cụ quản lý hiệu quả, Luật Xây dựng ban hành năm 2014 (hiệu lực từ ngày 1-1-2015) đã có những quy định rất cụ thể về quản lý các công trình xây dựng, cải tạo. Nhiều quy định về quản lý xây dựng cũng đã được các cấp ban hành cho thấy công tác quản lý TTXD đô thị đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, trong đó có hiện tượng xây dựng không phép, sai phép. Tồn tại này không chỉ tác động xấu đến kinh tế - xã hội, đến diện mạo đô thị, mà còn cho thấy kỷ cương chưa được thực hiện nghiêm minh.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2016, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 19.138 công trình, lập hồ sơ vi phạm 2.469 trường hợp. Trong đó, UBND cấp huyện và xã đã xử lý 1.766 vi phạm, với 295 trường hợp bị cưỡng chế phá dỡ, 1.217 trường hợp tự khắc phục sai phạm và cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho 261 trường hợp… Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã ban hành 1.841 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng.
Mặc dù số công trình vi phạm TTXD được xử lý lên tới hàng ngàn vụ, song vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý TTXD. Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên thực tế một số công trình có vi phạm nhưng lực lượng Thanh tra xây dựng phát hiện chậm, báo cáo chưa kịp thời với cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý. Trong khi đó, việc phối hợp giữa thanh tra xây dựng với các cấp chính quyền còn hạn chế. Theo quy định, khi công trình vi phạm bị phát hiện, thanh tra xây dựng lập biên bản, chuyển hồ sơ cho UBND cấp xã, phường ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên việc triển khai còn chậm. Chưa kể, do năng lực của nhiều cán bộ thanh tra xây dựng còn hạn chế đã dẫn tới tình trạng thiết lập hồ sơ vi phạm không bảo đảm chất lượng, bỏ sót hành vi vi phạm, đề xuất chưa kịp thời... nên chậm áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tình trạng này khiến vi phạm trước chưa được xử lý, vi phạm sau lại đà tiếp nối.
Không “nhẹ tay” với sai phạm
Liên quan tới việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý TTXD, Thành ủy Hà Nội mới đây đã ban hành thông báo, truyền đạt kết luận của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải về một số vấn đề, trong đó có công tác quản lý đô thị. Tại buổi làm việc với UBND quận Ba Đình, Bí thư Thành ủy yêu cầu quận Ba Đình thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đô thị nói chung và TTXD nói riêng. Trong đó, xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm về TTXD còn tồn đọng, nhất là sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực. Quận Ba Đình cần phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội sớm đưa ra phương án thiết kế an toàn và giải pháp phá dỡ phần sai phạm của công trình theo đúng phê duyệt của Bộ Xây dựng.
Nhận xét về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang gia tăng, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do việc xử lý sai phạm còn gượng nhẹ, thiếu kiên quyết từ cấp cơ sở tới cấp quản lý cao hơn. Nhận thức của cộng đồng trong tuân thủ pháp luật xây dựng còn yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Theo ông, hiện tượng xây dựng không phép, sai phép cần phải xử lý nghiêm. Bởi, hệ quả của việc cho tồn tại phần diện tích sai phép trước hết là thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong thi hành pháp luật về xây dựng. Điều này không những khiến chủ đầu tư, đơn vị thi công chủ quan, mà còn dễ nảy sinh tiêu cực khi sự việc bị phát giác. Do đó, khi xử lý vi phạm không thể chỉ đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư, mà cần xem xét cả trách nhiệm của cơ quan quy hoạch, cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý xây dựng; cần phải xử lý nghiêm mọi hành vi dẫn tới vi phạm thì mới hy vọng lập lại TTXD và tạo nên bộ mặt văn minh cho đô thị.