Bài đầu: Sớm loại bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm

Giao thông - Ngày đăng : 06:46, 14/03/2017

(HNM) - Theo chủ trương, thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án thu hồi xe máy cũ nát, không bảo đảm về tiêu chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Mặc dù chưa có quy định cụ thể về kiểm định kỹ thuật cũng như niên hạn sử dụng xe máy, căn cứ xác định xe máy nằm trong diện thu hồi, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi xe máy cũ nát là cần thiết và cần có lộ trình phù hợp...

Hiện nay còn nhiều xe máy cũ nát vẫn được người dân lưu thông gây mất an toàn giao thông.


Cận cảnh xe máy cũ nát

Gọi là xe máy cũ nát, bởi hầu như không còn dấu hiệu nhận biết là loại xe gì? Có xe chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương. Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số, không có ống xả... nhưng vẫn lưu thông hằng ngày trên đường.

Những loại xe cũ nát được sử dụng nhiều hiện nay là xe cũ của hãng Honda sản xuất từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước như xe Cub, Dream; xe Angel của hãng SYM sản xuất trước năm 2000; các loại xe Wave do Trung Quốc sản xuất... Với ưu điểm là nhỏ gọn, tốn ít nhiên liệu, các loại xe này nhanh chóng được người dân lựa chọn, với giá rẻ chỉ 1-2 triệu đồng/xe. Sau đó, hầu hết xe được bổ máy làm lại hơi nhằm tăng công suất hoặc lắp thêm giá chở hàng, giảm xóc. Mục đích chính của người sử dụng là xe chở được nhiều hàng, tăng tải trọng. Sử dụng xe cũ, không bảo đảm điều kiện an toàn, chở hàng cồng kềnh, nặng, không làm chủ được tốc độ… nên nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Đáng nói, không ít chủ sử dụng còn tự chế từ xe máy cũ thành xe ba bánh để chở hàng hóa.

Quan sát tại các quận nội thành cho thấy, số người sử dụng loại xe này ít hơn và chủ yếu xuất hiện vào các khung giờ 3-5h sáng; 11h30-13h30 chiều và từ chiều muộn đến đêm. Đây là thời điểm người dân chở hàng hóa vào các chợ ở khu vực nội thành Hà Nội như chở gas, thịt lợn, cá, nước tinh khiết, đồ gỗ nội thất, nước giải khát, phế liệu, nước rác phục vụ chăn nuôi gia súc, vật liệu xây dựng... Còn các tuyến vành đai như đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, đường gom Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng, Đê La Thành, hay một số quốc lộ như 1A, 32, 6, 21B… cửa ngõ Thủ đô nối với các huyện ngoại thành, mật độ xe máy cũ nát lưu thông nhiều hơn. Không chỉ chở hàng quá khổ, quá tải, các chủ sử dụng xe cũ nát còn chở thêm cả người ngồi vắt vẻo trên những bao hàng, rất nguy hiểm.

Anh Nguyễn Quý Hà, xã Mỹ Hưng (Thanh Oai) đang sử dụng chiếc xe Dream cũ cho biết, anh mua chiếc xe này giá 2 triệu đồng từ năm 2014 để chuyên chở thức ăn thừa từ các quán bán bún, cơm ở quận Thanh Xuân. Biết là xe cũ nát, các điều kiện bảo đảm an toàn khi lưu thông hạn chế, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không còn cách nào khác là tiếp tục “làm bạn” với phương tiện này.

Thu hồi xe cũ nát là cấp thiết

Xe chỉ còn “bộ xương” nhưng vẫn được sử dụng để vận chuyển hàng hóa.


Khi được hỏi, nhiều người dân có chung quan điểm việc thu hồi xe máy cũ nát để xử lý theo quy định là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Song, để xác định thế nào là xe cũ nát thì vẫn chưa có quy định cụ thể, chủ yếu vẫn dựa vào cảm tính khi đánh giá hình thức xe. Không chỉ gây mất an toàn giao thông, những chiếc xe cũ nát còn là nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thực tế, động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu thì việc đốt cháy triệt để nhiên liệu càng giảm, khí thải độc hại vì thế càng nhiều. Thông thường, sau khi vận hành một thời gian, những xe này không còn bảo đảm các yếu tố an toàn.

Chia sẻ với PV Báo Hànộimới, Thiếu tá Hoàng Tiến Dũng - Đội trưởng Đội CSGT-TT-PƯN Công an huyện Quốc Oai khẳng định, quan điểm thu hồi xe cũ nát của UBND thành phố là đúng đắn và cấp thiết, bởi thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã đến mức báo động, trong đó có nguồn ô nhiễm từ khí xả thải của ô tô, xe máy, nhất là xe máy cũ nát. Thiếu tá Dũng thông tin, Quốc Oai là huyện có ít làng nghề, do vậy lượng xe máy được cho là cũ nát, giá trị thấp hay không bảo đảm an toàn khi lưu thông cũng ít.

Dù vậy, trong quá trình tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Đội đã phát hiện và xử phạt nhiều xe máy không có đăng ký. Đối với những xe không bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất mà vẫn lưu thông trên đường, Đội chỉ xử phạt các lỗi theo quy định, nhưng không thể tịch thu phương tiện, bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe máy...

Đại diện Đội CSGT số 11, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cũng đồng tình với đề xuất thu hồi xe máy cũ nát của UBND thành phố. Song, khó khăn trong xử lý là xe máy chưa có đăng kiểm, trong khi đó phần lớn các "khổ chủ" là người nghèo, sử dụng xe máy cũ để mưu sinh. Không ít trường hợp sau khi bị lực lượng CSGT xử lý đã “bỏ của chạy lấy người", gây khó khăn cho việc xử lý của lực lượng chức năng.

(Còn nữa)

Hằng – Dương