Cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn
Công nghệ - Ngày đăng : 06:50, 15/03/2017
Xác định đây là một nhiệm vụ trọng điểm, đồng thời là việc cần làm trong lộ trình nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, VNPT đã thực hiện nghiêm yêu cầu của cơ quan quản lý đặt ra. VNPT đã sàng lọc, tham chiếu thông tin của hàng chục triệu thuê bao trên nhiều hệ thống khác nhau, nhiều nguồn khác nhau; nhắn tin báo nhiều lần cho các khách hàng đến đăng ký thông tin lại tại các điểm giao dịch… Vì vậy, trong hai đợt kiểm tra việc thực hiện cam kết của Bộ TT-TT từ đầu năm 2017 đến nay, số sim bị thu hồi của VNPT VinaPhone đều ở mức thấp. Chẳng hạn, trong đợt kiểm tra ngày 23-1, số lượng sim bị thu hồi của VNPT VinaPhone thấp nhất trong số 3 nhà mạng lớn (trong tổng số hơn 2 triệu sim bị thu hồi, VinaPhone chỉ có 435.000 sim, còn lại là của MobiFone và Viettel). Đợt kiểm tra gần nhất của Bộ TT-TT, trong số 789.000 sim bị thu hồi, sim của VinaPhone chiếm 12,5%, MobiFone chiếm 9,4%, còn lại gần 78% là sim Viettel.
Cùng với việc thu hồi sim kích hoạt sẵn, VinaPhone cũng tăng cường chặn tin nhắn rác. |
Cùng với việc thu hồi sim kích hoạt sẵn, VinaPhone cũng tăng cường chặn các tin nhắn rác. Bên cạnh việc chặn theo các tiêu chí như tần suất gửi tin, số lượng tin gửi…, VinaPhone còn hình thành đường dây nóng để nhận phản hồi về các số nghi là sim rác và chặn online các số này ngay trên hệ thống. Nhờ những nỗ lực quyết liệt đó, cả lượng tin rác lẫn số lượng thuê bao bị chặn trên hệ thống dịp cuối năm tăng khoảng 2 lần so với những tháng đầu năm (khoảng 6 triệu tin rác và hơn 150.000 thuê bao). Hiện nay, VNPT đã cơ bản giải quyết tình trạng gửi tin nhắn rác nội mạng, đang tiếp tục phối hợp với các nhà mạng khác để xử lý tin nhắn rác được gửi từ thuê bao của mạng khác. VNPT VinaPhone tiếp tục “siết chặt” khâu đăng ký thông tin thuê bao để bảo đảm không tái diễn tình trạng sim kích hoạt sẵn.
Với việc áp dụng cơ chế xác thực hai lớp khi đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên di động cho khách hàng, VinaPhone đã trở thành nhà mạng tiên phong trong việc tạo ra thị trường dịch vụ GTGT “sạch”. Cụ thể, khách hàng sau khi gửi yêu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ GTGT của VinaPhone qua bất kỳ kênh đăng ký nào, dịch vụ sẽ chưa được kích hoạt ngay. Thay vào đó, hệ thống sẽ gửi tới khách hàng một tin nhắn yêu cầu khách hàng đồng ý xác nhận sử dụng dịch vụ và chỉ khi nhận được tin nhắn xác nhận lần thứ 2 của khách hàng, dịch vụ mới được kích hoạt. Hiện nay, cơ chế này được áp dụng với các dịch vụ GTGT VinaPhone đang cung cấp và những dịch vụ mới của đối tác mà chưa đáp ứng cơ chế xác thực hai lớp đều bị tạm hoãn cung cấp tới khách hàng. VinaPhone cũng đưa ra quy định nếu đối tác nào vi phạm cơ chế này sẽ bị tạm ngừng hợp tác. Được biết, cách làm này ban đầu sẽ là thách thức với VinaPhone vì có thể không bảo đảm doanh thu, song vì một thị trường lành mạnh, VinaPhone sẵn sàng chấp nhận thiệt hại để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Hơn nữa, về lâu dài, chính sách này sẽ giúp VinaPhone lấy lại niềm tin của khách hàng, mà khi có niềm tin, khách hàng sẽ trải nghiệm thử các dịch vụ mới và đó chính là cơ hội để khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ…
Đến nay, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy lùi vấn nạn tin rác, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường viễn thông. Trong nỗ lực chung, Tập đoàn VNPT và VNPT VinaPhone sẽ thực hiện nghiêm các cam kết với cơ quan quản lý và khách hàng.