Quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm: Lấy mẫu giám sát... đã khó
Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 15/03/2017
Nhân viên Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội lấy mẫu nông sản để test nhanh. |
Kinh phí hạn hẹp
Sở NN&PTNT Hà Nội vừa công bố kết quả giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản năm 2016. Theo đó, các đơn vị trực thuộc Sở đã lấy gần 3.450 mẫu phân tích chỉ tiêu salbutamol, vàng o, salmonella trong thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, thịt gà; thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, quả; hóa chất, kháng sinh trong tôm, cá…, phát hiện 159 mẫu vi phạm các chỉ tiêu ATTP. Có thể nói, công tác này được thành phố đầu tư khá bài bản, bước đầu mang lại những thành công, người tiêu dùng Thủ đô đã yên tâm với nông sản, thực phẩm trên thị trường. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân như thiếu kinh phí, nguồn nhân lực, trong khi số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhiều nên hoạt động giám sát gặp không ít khó khăn, hạn chế.
Trao đổi về những khó khăn của địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, do cơ sở sản xuất hoạt động theo thời vụ, không cố định nên công tác kiểm tra, giám sát lấy mẫu chất lượng nông sản, thực phẩm khá nan giải. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP ở cơ sở gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Theo quy định, chi phí cho công tác phân tích, kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP thực hiện theo Thông tư 149/2013/TT-BTC ngày 29-10-2013 của Bộ Tài chính, nhưng trên thực tế, kinh phí chi cho việc gửi mẫu phân tích, kiểm nghiệm vượt nhiều so với quy định. Đơn cử, để phân tích 1 chỉ tiêu hóa học cho 1 mẫu nông sản tại phòng thí nghiệm chi phí 1 triệu đồng, nhưng có những mẫu phải phân tích nhiều chỉ tiêu hóa học, chi phí đội lên từ 2 đến 3 triệu đồng, trong khi, nguồn kinh phí của địa phương cho nhiệm vụ này còn hạn chế.
Để phục vụ công tác kiểm tra, trong tháng 12-2016, TP Hà Nội đã đầu tư trang bị 3 xe kiểm nghiệm để test nhanh các chỉ tiêu khi kiểm tra ATTP nông sản. Một vấn đề phát sinh là, việc test nhanh đang gặp trở ngại do thời gian làm hóa chất lâu. Nếu lấy một mẫu thuốc bảo vệ thực vật để test nhanh kết quả kéo dài 1,5 giờ, trong khi, quá trình kiểm tra phải lấy số lượng lớn các mẫu, nên chưa đáp ứng yêu cầu...
Lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm
Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương, việc lấy mẫu giám sát nhằm củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản. Do vậy, ngoài việc lấy mẫu của các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tích cực lấy mẫu giám sát, song phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cấm ngoài danh mục trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Qua đó, kịp thời phát hiện, cảnh báo, điều tra, thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về ATTP.
Đề cập đến những khó khăn trong việc lấy mẫu giám sát chất lượng như sử dụng hóa chất, thiết bị test nhanh và gửi mẫu đi xét nghiệm, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Đặng Văn Thủy kiến nghị, các sở, ngành liên quan cần tham mưu cho thành phố mở thêm các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP ở cơ sở, đặc biệt là cách lấy mẫu, sử dụng hóa chất trong quá trình test nhanh để có kết quả chính xác và quy cách lấy mẫu đóng gói gửi đi xét nghiệm; bố trí đủ kinh phí cho địa phương thực hiện lấy mẫu theo quy định. Phía chính quyền địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; nghiêm cấm việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…