Chạm đến trái tim con trẻ
Sách - Ngày đăng : 06:53, 15/03/2017
Nói về niềm vui khi “Hỏi lá, hỏi hoa” được phát hành trong phiên bản mới của bộ “Thơ với tuổi thơ” - tuyển chọn những tập thơ hay nhất viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng, tác giả chia sẻ: “Thật vui khi những bài thơ “nhỏ xíu” của mình một lần nữa được trở lại cùng bạn đọc tuổi thần tiên, đồng hành cùng các tác phẩm xuất sắc của những tên tuổi lớn trong làng thơ thiếu nhi. Vui hơn khi cầm trên tay tập sách xinh xắn với bìa đẹp và các minh họa được chăm chút kỹ lưỡng”.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn sinh năm 1961, nguyên quán tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; là tác giả của nhiều cuốn sách viết cho thiếu nhi, trong đó có các tập thơ “Hỏi lá, hỏi hoa”. Tập thơ này nằm trong phiên bản mới của bộ “Thơ với tuổi thơ” - tuyển chọn những tập thơ hay nhất viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng. |
Đây không phải là nguyên bản “Hỏi lá, hỏi hoa” đã được in và tái bản nhiều lần ở NXB Giáo Dục. 22 bài được chọn đưa vào tập lần này có thể coi như một phiên bản mới, trong đó có một số bài tiêu biểu chọn từ những tập khác. Loạt bài thơ “Ru mưa”, “Mùa xuân của nghé con”, “Mồ hôi của biển”, “Mở sách ra là thấy”, “Hội diều”, “Thời gian”… trong tập thơ “Hỏi lá, hỏi hoa” được ví như “những giai điệu đầy cảm xúc về thế giới bao la của tình yêu thương con người, thiên nhiên, vạn vật”. Tác giả chia sẻ một cách giản dị: “Để “thọc lét” hay “cù” cho trẻ con cười trong chốc lát có lẽ không quá khó, nhưng để có thể “chạm đến trái tim con trẻ” chắc chắn phải là một kỳ công, cộng với rất nhiều may mắn. Bạn thấy đó, đôi mắt trẻ thơ trong trẻo như hai giọt sương mai. Rất nhiều thứ có thể làm chúng ngạc nhiên, rất nhiều cách có thể khiến chúng mắc bẫy, nhưng để làm bạn với chúng, được chúng yêu lại là việc khác”. Với Cao Xuân Sơn, viết cho trẻ em luôn phải dụng công để có được những câu chữ tinh tế, tinh nghịch, tinh quái... nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, kích thích trí tưởng tượng của các em.
Có ý thức theo đuổi nghiệp viết từ thời sinh viên, có thơ đăng báo từ năm 1981, cả thơ người lớn, thơ thiếu nhi, thơ trào phúng... nhưng cuốn sách đầu tay in năm 1987 của Cao Xuân Sơn lại là một tập truyện thiếu nhi. Có lẽ đó cũng là một chút duyên của tác giả với văn học thiếu nhi chăng? Chia sẻ về những cái khó khi viết thơ cho thiếu nhi, tác giả nói: “Tôi thích hai câu rất Trần Đăng Khoa trong một bài thơ gần đây của ông: “Chẳng cần chi phấn đấu/Ta cũng thành cụ già”. Với tôi, khó nhất là giữ mãi cho mình tình yêu với tuổi thơ, từ đó giữ được niềm hứng khởi trò chuyện, thủ thỉ cùng các em qua những vần điệu, câu chữ”.
Từng phát biểu rằng “luôn có hai dạng người thích ngửa mặt lên đếm sao trời, ấy là trẻ em và các nhà thơ”; và rằng viết thơ cho thiếu nhi là một “đặc ân trời cho”, nhà thơ quê Hà Nam bộc bạch: “Thì chẳng phải trẻ em và nhà thơ là hai dạng người giàu mơ mộng nhất, “sống chậm” nhất đó sao? Cuộc sống hiện tại với áp lực dữ dội từ kỹ nghệ và thông tin đang vận hành với tốc độ chóng mặt. Dường như mọi thứ cuốn đi, vụt qua rất khó nắm bắt. Số đông lao theo những giá trị vật chất cân đo đong đếm được, thực đó mà ảo đó. Trẻ em và các nhà thơ có mặt để làm điều ngược lại...”.
Trong hơn 30 năm gắn bó với việc sáng tác, Cao Xuân Sơn đã xuất bản hàng chục đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi. Khi được hỏi về tập sách ưng ý nhất, nhà thơ trả lời dí dỏm: “Có lẽ nó cũng như “... con chuồn chuồn đẹp nhất/Chính là con chuồn chưa một lần bị bắt/Con chuồn chuồn đang bay” vậy, nghĩa là cuốn sách đó... chưa xuất bản. Vì sao? Vì chưa bao giờ tôi thấy thỏa mãn với những gì đã in!”.