Trồng hoa bằng công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 15/03/2017
Để tháo gỡ khó khăn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tăng cường khảo nghiệm để chủ động nguồn giống, đáp ứng sản xuất cho nhân dân.
Một mô hình trồng hoa ly tại huyện Sóc Sơn. |
Thiếu giống chất lượng
Vụ đông vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, xã Xuân Dương (Thanh Oai) đầu tư 500 triệu đồng trồng 5 sào hoa ly, trong đó chi phí mua giống là 400 triệu đồng nhưng chỉ che chắn bằng lưới thông thường cho cây hoa. Thiếu kinh nghiệm cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài khiến hoa ly nở sớm, tổng thu nhập từ trồng hoa của gia đình anh Thắng không đủ chi phí mua giống, khiến gia đình lỗ nặng.
Không riêng gia đình anh Thắng, trong năm qua, huyện Thanh Oai triển khai 4 điểm trồng hoa ly tại các xã Cao Dương, Thanh Văn, Xuân Dương và Bình Minh nhưng nguồn giống cây trồng đều phụ thuộc nhập khẩu nên chi phí khá cao.
Là một trong những vựa hoa lớn của TP Hà Nội, người trồng hoa xã Văn Khê (Mê Linh) đã tạo dựng thành công mô hình trồng hoa hồng chất lượng cao. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, xã Văn Khê trồng 40ha hoa hồng chất lượng cao. Song, để mở rộng quy mô, người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giống cây trồng. Ông Lê Viết Đỗ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Quán (xã Văn Khê) cho biết: "Giống hoa hồng trồng ở xã Văn Khê chất lượng cao, bông to, dài và đẹp. Nhưng chỉ được vài vụ là thoái hóa khiến năng suất, chất lượng hoa giảm rõ rệt. Do đó, chúng tôi luôn có nhu cầu nhập những giống hoa chất lượng cao để sản xuất ổn định".
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội), ngoài thời tiết diễn biến bất lợi, kỹ thuật canh tác của nông dân hạn chế thì khó khăn lớn nhất của các vùng trồng hoa Hà Nội là nguồn giống chất lượng. Việc phụ thuộc quá nhiều vào giống nhập khẩu ảnh hưởng đến thế mạnh của nhiều vùng sản xuất. Đơn cử như cây hoa ly, 100% giống phải nhập khẩu từ nước ngoài. Còn hoa hồng, hoa cúc và một số loại hoa khác có thể tự nhân giống, tuy nhiên trình độ kỹ thuật còn hạn chế nên chất lượng giống làm ra chưa đáp ứng tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Đến nay, toàn thành phố có 2.700ha diện tích trồng hoa, trong đó có khoảng 50 vùng sản xuất quy mô trên 20ha, tập trung tại các quận, huyện: Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín... Để các vùng trồng hoa phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình nghiên cứu về giống hoa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng mới chỉ ứng dụng khoa học công nghệ ở từng khâu. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tổ chức khảo nghiệm, nghiên cứu một số giống hoa như mô hình sản xuất giống hoa lan, đào, hồng chất lượng cao ở các quận, huyện: Sóc Sơn, Đan Phượng, Gia Lâm, Thạch Thất, Hoài Đức, Mê Linh, Long Biên, Tây Hồ với quy mô từ 120 đến 150m2/điểm mô hình. Kết quả triển khai mô hình đã tạo ra được 70% cây giống hoa lan, 80% cây giống hoa đào, 80% cây giống hoa hồng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, cây giống sạch sâu bệnh và đủ tiêu chuẩn sản xuất đại trà. Tuy nhiên, lượng giống hoa ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.
Bà Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, để các vùng trồng cây hoa ở Hà Nội phát triển bền vững, nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Một số doanh nghiệp, đơn vị đã thành công khi đầu tư phát triển sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao như: HTX Đan Hoài - Công ty Flora Việt Nam, tại huyện Đan Phượng, quy hoạch khu sản xuất rộng 10.000m2 chuyên trồng các loại hoa lan cao cấp, hoa ly… doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng/ha/năm.
Hiệu quả về kinh tế từ trồng hoa chất lượng cao có lẽ không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, trồng hoa chất lượng cao đòi hỏi kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư lớn. Do vậy, ngoài hỗ trợ của thành phố, các địa phương cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa; đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ năng liên kết nhóm sản xuất, kỹ thuật tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, TP Hà Nội đã chọn cây hoa là một trong những cây trồng tiên phong áp dụng công nghệ cao. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các quận, huyện chọn điểm, chọn vùng để giới thiệu doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư trồng hoa chất lượng cao. Mục tiêu ngành Nông nghiệp hướng tới, không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội mà còn hướng tới xuất khẩu... |