Hà Nội vào nhóm có chất lượng điều hành tốt

Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 15/03/2017

(HNM) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được coi là



Theo báo cáo đánh giá PCI 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 14-3, lần đầu tiên sau 12 năm, Thủ đô Hà Nội vào nhóm có chất lượng tốt, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2015.


Lắp ráp máy in tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội). Ảnh: Viết Thành


Hà Nội đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, điểm đáng ghi nhận là sự cải thiện PCI của Hà Nội, khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm (đạt 60,74 điểm), đứng vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành (năm 2015 đứng thứ 24), lọt vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt. Kết quả trên là do trong năm 2016, Hà Nội đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả và một việc - một đầu mối xuyên suốt".

Những nỗ lực này đã bước đầu được cộng đồng DN ghi nhận, thể hiện rõ nhất ở các chỉ số thành phần. Cụ thể, chỉ số "chi phí thời gian" và "chi phí không chính thức" lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm, khi có tới 53% DN cho biết "không phải đi lại nhiều để lấy dấu và chữ ký", tăng đáng kể so với 49% năm 2015 và 38% năm 2014. Đặc biệt, 49% DN cho biết "cán bộ thân thiện hơn trong giải quyết thủ tục hành chính", tăng mạnh so với kết quả của năm 2015 là 36%. Tình trạng nhũng nhiễu DN giảm, từ 78% năm 2015 xuống còn 69% năm 2016.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN nhỏ và vừa Hà Nội nhận xét, chi phí chính thức và không chính thức tại Hà Nội đều giảm, việc thực hiện các thủ tục hành chính tập trung ở bộ phận “một cửa” và một đầu mối chịu trách nhiệm đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho DN. Lãnh đạo thành phố cũng có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận, làm việc với DN để chia sẻ thông tin, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Song, các cơ quan thành phố cần làm tốt hơn nữa chức năng cầu nối, liên kết các DN nhỏ và vừa; tiếp tục thông tin về quy hoạch, giảm thủ tục hành chính, chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức; tôn vinh công chức làm tốt và có hình thức kỷ luật thích đáng với công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều cải thiện tích cực

Trong bảng xếp hạng PCI 2016, 5 tỉnh, thành phố đứng đầu, thuộc nhóm rất tốt lần lượt là Đà Nẵng (70 điểm), Quảng Ninh (65,60 điểm), Đồng Tháp (64,96 điểm), Bình Dương (63,57 điểm) và Lào Cai (62,76 điểm). Trong số này, tỉnh Bình Dương sau 8 năm chỉ nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành khá đã tăng đến 21 bậc, xếp vị trí thứ 4.

Cùng đứng ở nhóm có năng lực cạnh tranh tốt với Hà Nội có Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh được 61,72 điểm, đứng thứ 8, giảm 2 bậc so với năm 2015. Ngoài 29 địa phương có chỉ số PCI ở mức khá, 6 địa phương có mức trung bình, 4 địa phương ở mức tương đối thấp thì 2 tỉnh Lai Châu và Cao Bằng ở vị trí cuối bảng (thứ 62 và 63).

Phát biểu tại buổi công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có nhiều cải thiện tích cực và điều này bắt nguồn từ chủ trương của Chính phủ trong việc xây dựng quốc gia khởi nghiệp và Chính phủ kiến tạo. Còn theo ông Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều địa phương trước đây không được xếp hạng cao thì nay đã cải thiện, khoảng cách giữa các địa phương xếp hạng cao nhất và xếp hạng thấp nhất cũng đã được thu hẹp. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhận thấy chi phí gia nhập thị trường đã giảm đáng kể nhờ có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo cũng nêu rõ những vấn đề còn tồn tại đối với nhiều DN trong nước. Trong khi đó, khối DN đầu tư nước ngoài vẫn e ngại về môi trường kinh doanh chưa bình đẳng... Bên cạnh đó, vẫn có khoảng 25% DN thừa nhận phải trả tiền “bôi trơn” để có được giấy phép đầu tư; 13,6% DN thừa nhận phải trả "hoa hồng" để có được hợp đồng của cơ quan nhà nước; 49% DN đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan (giảm 10% so với năm 2015)...

Mặc dù vậy, về tổng thể, những cải thiện của các địa phương đạt được là tích cực và đáng ghi nhận. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của các địa phương ngày một chuyển biến rõ nét, góp phần tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư quốc gia.

PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI thực hiện, với sự hỗ trợ của USAID. Báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi của 11.600 DN, trong đó có trên 10.037 DN dân doanh và 1.550 DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Việt Nga