Đi chợ tem - thú vui tao nhã

Xã hội - Ngày đăng : 10:57, 23/05/2005

Cả nước hiện có 30 hội tem ở các tỉnh, thành phố với hàng trăm CLB, thu hút trên 6.000 người yêu thích tem. Nhưng chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là có chợ tem - nơi diễn ra các cuộc giao lưu tự nguyện giữa những người chơi tem.

Cả nước hiện có 30 hội tem ở các tỉnh, thành phố với hàng trăm CLB, thu hút trên 6.000 người yêu thích tem. Nhưng chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là có chợ tem - nơi diễn ra các cuộc giao lưu tự nguyện giữa những người chơi tem.

Chợ tem không phải ngày nào cũng họp. Tại Hà Nội, Cty Tem mỗi tháng mở một cuộc giao lưu (vào sáng chủ nhật đầu tháng) ở 14 Trần Hưng Đạo, còn chợ tem diễn ra ở quán càphê 160 Triệu Việt Vương vào các sáng chủ nhật. Tại TPHCM, nếu ở Trung tâm Vietphicen (36C Nguyễn Thị Diệu, quận 3) chợ tem được mở hàng ngày (trừ thứ hai) thì điểm chợ tem còn lại thường diễn ra vào thứ bảy  và chủ nhật tại các quán càphê ven Bảo tàng Mỹ thuật (97 Phó Đức Chính).

Chợ tem không chỉ đơn thuần là chỗ người chơi tem mua, bán tem, mà còn là nơi các nhà sưu tập tem trao đổi kinh nghiệm (bình luận tem mới và tem được giải, tìm hiểu thị trường tem, xem các album tem, ngắm các mẫu tem lạ, tem quý hiếm, tem dị bản, tem in đè, tem thêu, tem hình nổi, tem liên hoàn... hay các loại phong bì thực gửi có đủ dấu bưu cục nơi đi và đến, các phong bì có dấu ngày phát hành đầu tiên).

Tại các phiên chợ độc đáo này, những người chơi tem được sống trong môi trường văn hoá tao nhã, được hiểu nhiều điều bổ ích và lý thú của nghệ thuật tem bưu chính, ví như cách làm bộ tem 1 khung, 2 khung, loại mở hoặc loại chuyên đề; các quy tắc quốc tế về trưng bày. Đến với chợ tem ở HN còn có nhiều người yêu thích tem của TP Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tây...

Qua chợ tem, một số tem được phát hiện có sai sót. Năm 1992, người chơi tem ở chợ tem của TPHCM đã phát hiện mẫu tem kỷ niệm 700 năm ngày sinh của nhà thơ - nhà giáo Chu Văn An do Bưu điện VN phát hành có 3 sai sót: In sai ngày sinh và ngày mất; các chi tiết trang phục và kính mắt không có ở thời Chu Văn An sống. Ngành bưu điện lúc đó thừa nhận sai sót này và đã đình chỉ phát hành mẫu tem trên. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, nên mẫu tem này có giá mặt 200 đồng (năm 1992), nay có người lùng mua với giá 30 - 40.000 đồng/1 tem.

Hoạt động của những chợ tem đã giúp HN và TPHCM có nhiều bộ trưng bày chất lượng cao ở các kỳ triển lãm tem. Vào quý III/2005, tại Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm tem bưu chính quốc gia. Sẽ rất hay nếu các địa phương khác cũng tổ chức được những phiên chợ tem như ở HN và TPHCM. Và như thế, chắc chắn, triển lãm sẽ có thêm nhiều bộ trưng bày quý, độc đáo.

 Ông Hoàng Châu Kỳ - Tổng Thư ký Hội Tem VN là người sở hữu bộ tem đắt nhất VN (tính đến thời điểm này) có giá 5, 5 triệu đồng. Đó là bộ tem nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi, gồm 4 tem sống (chưa có dấu huỷ của bưu điện), rất quý hiếm. Bộ tem này phát hành năm 1956, nhưng khi còn để ở kho tem Hải Dương thì đã bị cháy. Qua các lần trưng bày tem của Cty Tem VN, bộ tem này chỉ có 3 tem sống và một mẫu tem chết (đã có dấu huỷ của bưu điện). Ông Kỳ đã mua bộ tem nói trên ở chợ tem 160 Triệu Việt Vương (HN) vào trung tuần tháng 4.2005. Người nhượng lại bộ tem này tên Trung, có người bố hồi những năm 60 làm Trưởng Phòng hành chính Tổng cục Bưu điện. Gia đình anh Trung đã bảo quản tem rất tốt: Sau gần 50 năm  được ấn hành, tem vẫn không bị đổi màu. 

Lao Động

LANHUONG