Xây mới 1.000 nhà vệ sinh công cộng: Cần sự đồng thuận từ nhiều phía
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 16/03/2017
Nhà vệ sinh công cộng xây mới trên đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Ảnh: Anh Tuấn |
Nhu cầu có thực
Đang vui chơi, mua bán tại các tụ điểm công cộng nhưng không thể tìm được NVSCC là tình trạng "dở khóc, dở cười" của không ít người dân, khách du lịch khi tới thăm Hà Nội. Để xử lý tình huống "khó nói" này, không ít người đã phải vào quán cà phê hay cửa hàng nào đó để sử dụng nhờ nhà vệ sinh. Một số trường hợp khác lại chọn gốc cây, bờ tường... tạo nên những hình ảnh phản cảm.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 371 NVSCC, chia làm 2 loại. Ngoài những nhà vệ sinh vỏ thép được thành phố đầu tư từ năm 2003 đến 2010, còn lại 258 NVSCC được xây dựng từ trước năm 1990 tại các khu dân cư, khu tập thể nằm trong ngõ sâu. Với số lượng dân cư tăng nhanh, tình trạng thiếu trầm trọng NVSCC tại các điểm công cộng như nhà chờ xe buýt, khu di tích, vườn hoa, công viên, chợ truyền thống... là thực tế đáng ngại.
Trong bối cảnh ngân sách thành phố còn eo hẹp, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống NVSCC theo hình thức xã hội hóa. Tập thể lãnh đạo UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing tài trợ dự án lắp đặt hệ thống 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dùng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp, 200 ghế gang phục vụ công ích cho Thủ đô. Hệ thống NVSCC sẽ được lắp đặt tại các quận, huyện, thị xã trên cơ sở ưu tiên khu vực nội thành, điểm du lịch, vui chơi giải trí công cộng đông người. Vinasing sẽ được thành phố tạo điều kiện xã hội hóa quản lý vận hành NVSCC kết hợp với quảng cáo.
Vì lợi ích của cộng đồng
Việc lắp đặt, xây mới hệ thống NVSCC sạch sẽ, hiện đại, tiện nghi phục vụ nhân dân và du khách sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, Vinasing đã thực hiện khảo sát và ký biên bản thống nhất với UBND các xã, phường, Tổng công ty Vận tải Hà Nội và xác định được 416/528 vị trí đề xuất đủ điều kiện lắp đặt NVSCC. Sau khảo sát, chủ đầu tư này cũng đã đề xuất lắp đặt NVSCC tại 181/398 vị trí.
Song do thiếu sự phối hợp trong công tác bàn giao mặt bằng, nhiều hộ dân, cơ quan, tổ chức xung quanh khu vực dự kiến lắp đặt NVSCC đã phản đối, yêu cầu ngừng thi công. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chưa phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị quản lý để xin cấp phép, thi công đấu nối đường điện, cấp nước và thoát nước thải. Một số vị trí trong quá trình đào móng đã phải lấp lại để hoàn trả mặt bằng do vướng công trình ngầm...
Để giải quyết những bất cập nảy sinh, một cuộc họp giữa các đơn vị liên quan đã được Sở Xây dựng tổ chức. Thành phố cũng xác định rõ việc triển khai lắp đặt NVSCC của Vinasing sẽ bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn I là lắp 100 NVSCC, giai đoạn 2 là 150. Đến năm 2020, sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế địa bàn của các huyện để lắp đặt đủ số NVSCC theo dự án và bàn giao cho thành phố. Bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị phối hợp, hỗ trợ Vinasing, thành phố cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng cơ chế duy trì NVSCC sau bàn giao.
Tạm thời đến hết quý II-2017, các NVSCC sẽ phục vụ miễn phí, từ quý III-2017 mới thực hiện thu phí theo quy định của thành phố. Hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, dự án 1.000 NVSCC sẽ sớm hoàn thiện, đi vào vận hành, góp phần giúp Thủ đô ngày càng sạch, đẹp, văn minh.