Đảng bộ quận Hà Đông: Giải “bài toán” khớp nối hạ tầng đô thị
Chính trị - Ngày đăng : 06:55, 16/03/2017
Cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá và có nhiều chuyển biến tích cực ở quận Hà Đông. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND phường Nguyễn Trãi. Ảnh: Bá Hoạt |
Ba khâu đột phá
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ quận Hà Đông xác định 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tập trung công tác quản lý đô thị, duy trì trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực trật tự đô thị, trật tự xây dựng; hoàn thành khớp nối hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Thứ hai, nâng cao chất lượng giải quyết các giao dịch hành chính, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin gắn với cải cách hành chính, xây dựng cơ quan điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Thứ ba, nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức quận và phường; tập trung công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, sắp xếp bố trí, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ.
Trong 3 khâu đột phá đã chọn, khâu cải cách hành chính có nhiều chuyển biến mạnh. Đến cuối tháng 2-2017, ngoài bộ phận "một cửa", quận Hà Đông đã triển khai 26 điểm giao dịch dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở các khu dân cư trên địa bàn 17 phường. Trong 2 tháng đầu năm, tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 92,87% ở cấp phường, 100% tại quận. Khâu đột phá về công tác cán bộ cũng được Hà Đông thực hiện hiệu quả, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, nhất là công tác đánh giá cán bộ, luân chuyển, đào tạo cán bộ trẻ…
Tuy nhiên, riêng khâu đột phá đầu tiên, nhất là về khớp nối hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Hà Đông còn chậm chuyển biến. Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, đây là vấn đề trọng điểm, nếu không giải quyết sớm, quận sẽ rất khó phát triển.
Cần đi vào việc cụ thể
Với gần 120 dự án nhà, khu đô thị, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Đông diễn ra rất nhanh. Hệ quả là sự gia tăng đột biến về dân số, trong khi hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển không tương xứng.
Hà Đông còn là địa bàn có nhiều “điểm đen” ngập úng. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông Đinh Văn Tiến, hạ tầng thoát nước trên địa bàn vẫn là hệ thống kênh tiêu cho nông nghiệp kết hợp tiêu nước đô thị. Nguồn tiêu chủ yếu trên địa bàn Hà Đông là sông Nhuệ, sông Đáy, nhưng do bùn lầy, rác thải, khả năng tiêu thoát của các con sông này rất hạn chế; có trường hợp nước bơm tiêu ra đã chảy ngược lại. Chưa kể, chênh lệch cốt nền các khu đô thị mới so với khu dân cư hiện tại có nơi lên đến 1m cũng là nguyên nhân gây ra ngập úng.
Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Cường thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý đô thị còn một số tồn tại, nhất là vi phạm về trật tự xây dựng tại một số khu đô thị chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng chợ cóc chưa được xử lý triệt để; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra... Trong khi đó, khoảng 15% diện tích đất ở trên địa bàn quận vẫn chưa được cấp sổ đỏ cũng là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý đô thị.
Trước tình hình này, Hà Đông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề đô thị, nhất là kết nối hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn vẫn là trở ngại, trong khi quận chưa có giải pháp tổng thể cho vấn đề này. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, quận Hà Đông cần cùng với Sở GT-VT khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập danh mục đầu tư. Trên cơ sở này mới định rõ dự án nào thành phố đầu tư, dự án nào đầu tư theo hình thức BT, dự án nào kiến nghị thành phố phân cấp cho quận… Đây cũng chính là cách huyện Gia Lâm thực hiện thành công khi tổng hợp nhu cầu đầu tư 15 tuyến đường với tổng vốn khoảng 4.000 tỷ đồng. Sau khi làm việc với thành phố, huyện đã được thành phố thống nhất cơ chế đầu tư, phân cấp cụ thể cho từng dự án.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành thành phố với quận Hà Đông nhằm giải quyết vấn đề nêu trên còn rất hạn chế. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, cho rằng, thời gian tới, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm tập trung phối hợp giúp quận Hà Đông giải quyết nhu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các tuyến đường giao thông nhằm khớp nối các phường, các khu đô thị với các trục đường chính.
Tháo gỡ được “bài toán” khớp nối hạ tầng kỹ thuật cho quận Hà Đông còn có ý nghĩa mở thông hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện phát triển cho cả vùng Tây Nam giàu tiềm năng của Hà Nội.