Bồng bềnh như rượu thủ công...
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:10, 17/03/2017
Với những gì "mắt thấy, tai nghe", chúng tôi không khỏi giật mình về sự buông lỏng quản lý trong sản xuất, kinh doanh loại đồ uống này. Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo, không chỉ với người tiêu dùng mà còn với các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
Thật, giả lẫn lộn
Sau vụ ngộ độc rượu tập thể xảy ra tại quận Cầu Giấy, cơ quan chức năng xác định cơ sở cung cấp rượu kém chất lượng là từ gia đình bà Nguyễn Thị Hảo ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai). Đây là cơ sở mua rượu từ các nơi về rồi pha chế, cung cấp ra thị trường, trong đó có sản phẩm của làng nghề nấu rượu Tân Độ, xã Hồng Minh (Phú Xuyên). Phóng viên đã lập tức về làng nấu rượu thủ công lớn, có tiếng Tân Độ để tìm hiểu thực tế.
Anh Lương Hải Dương, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) nấu rượu thủ công. |
Anh Vũ Văn Luật, chủ một hộ nấu rượu thủ công thôn Tân Độ cho hay: "Cả tuần nay, các hộ dân trong thôn đứng ngồi không yên khi thông tin vụ ngộ độc rượu có liên quan đến làng nghề. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm kiểm tra, công bố chất lượng rượu thủ công để làng nghề không bị mang tiếng oan là chế biến rượu pha cồn". Cùng chung trăn trở, Trưởng thôn Tân Độ Vũ Công Hiệu cho biết: Các đoàn kiểm tra đã tạm giữ 900 lít rượu của gia đình anh Vũ Văn Quỳnh, người cung cấp rượu cho bà Vũ Thị Hảo để tiến hành xét nghiệm và kết quả là không trùng với mẫu rượu gây ngộ độc. Điều này cho thấy, đã có tình trạng pha cồn vào rượu sau khi mua từ cơ sở chưng cất nhằm thu lợi bất chính.
Rời Tân Độ, men theo quốc lộ 21B chúng tôi tới thôn Nga My Thượng, xã Thanh Mai (Thanh Oai). Tiếng là làng nghề, nhưng đến nay số hộ nấu rượu rất ít bởi không cạnh tranh được với giá của rượu công nghiệp. Chủ tịch UBND xã Thanh Mai Lê Văn Chung phân trần: Năm 2006, xã được công nhận làng nghề truyền thống. Tại thời điểm đó, 70% dân số của xã (khoảng 400 - 500 hộ) làm nghề nấu rượu. Tuy nhiên, đến nay toàn xã chỉ còn 20 hộ duy trì nghề, trung bình mỗi ngày cung cấp ra khoảng 400 lít rượu.
Ông Đặng Văn Sông, một cơ sở chuyên sản xuất men cung cấp cho người nấu rượu và cũng trực tiếp nấu rượu tại xã Phú Túc (Phú Xuyên) cho biết: Chất lượng rượu phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, trong đó có men. Nhiều năm trước, kinh nghiệm sản xuất men của Việt Nam chưa tốt nên người nấu rượu thường sử dụng các loại men của Trung Quốc. Dù việc sử dụng men Trung Quốc rút ngắn được quy trình nấu rượu 2-3 ngày nhưng rượu không thơm ngon và có vị chua nên nhiều năm trở lại đây các hộ dân đã chuyển sang sử dụng men thảo dược do Việt Nam sản xuất, giá thành phải chăng, chất lượng bảo đảm. Giá thành thực tế một lít rượu gạo tẻ là khoảng 30 nghìn đồng/lít, rượu nếp cái hoa vàng là 50.000 đồng/lít… nhưng trên thị trường, rượu bán cho các quán cơm bình dân, quán cóc... thường chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lít. Vì thế không thể nói đây là loại "rượu quê" có chất lượng được. “Việc pha chế rượu cũng rất tinh vi, các đối tượng có thể dùng nước lã, cho vài viên cồn nén là thành rượu, hoặc mua rượu nồng độ thấp (khoảng 20 độ) rồi pha cồn, tăng lên 40-50 độ để thành rượu loại 1. Với cách làm này, các đối tượng có thể kiếm lợi từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng/lít rượu, lãi hơn nhiều so với nấu rượu gạo” - ông Sông cho biết.
Siết chặt các khâu quản lý
Sở dĩ xảy ra thực trạng nhiều loại rượu "quốc lủi" khác nhau là do công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công thời gian qua hầu như bị bỏ ngỏ. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 31 huyện Phú Xuyên Vũ Hồng Huy cho biết, toàn huyện có khoảng 650 hộ nấu rượu, nằm rải rác ở các xã, với quy mô nhỏ (vài chục lít/ngày). Hiện hầu như các ngành chức năng chưa thể kiểm soát được chất lượng rượu thủ công trên thị trường, không những thế, các hộ sản xuất, kinh doanh cũng không quan tâm đến tem nhãn, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc. Tương tự tại huyện Thanh Oai, đến nay cũng chưa thống kê được số hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Trước những nhức nhối nêu trên, mới đây Bộ Công Thương đã có chỉ thị cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu không có tem, nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Sông, thông tin này đang khiến các hộ sản xuất rượu vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ giải quyết tình trạng "thật giả lẫn lộn" trong sản xuất, kinh doanh rượu truyền thống, nhưng lo vì thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm, tem nhãn phức tạp. Cùng trăn trở, anh Lương Hải Dương, hộ nấu rượu ở xã Thanh Mai (Thanh Oai) cho rằng: Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2012 về sản xuất kinh doanh rượu, để được cấp phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện như: Nằm trong quy hoạch, bảo đảm môi trường, phòng chống cháy nổ, sản phẩm phải được chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng… trong khi các hộ sản xuất đa phần nhỏ lẻ, khó có thể đáp ứng yêu cầu này.
Về công tác quản lý sản xuất rượu ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (Phú Xuyên) Nguyễn Tất Thắng nhận định: Việc kiểm soát chất lượng rượu đòi hỏi phải có lực lượng chuyên ngành, trong khi xã chưa có cán bộ chuyên môn nên các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, xử lý mới có hiệu quả. "Chính quyền và người dân địa phương đang triển khai các bước xây dựng thương hiệu sản phẩm rượu Tân Độ. Trước mắt, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời làm tem nhãn để khẳng định thương hiệu" - ông Thắng cho biết thêm.
Rõ là bên cạnh một số loại rượu nấu thủ công được gắn nhãn mác và kiểm soát chất lượng, còn rất nhiều loại "quốc lủi" khác chứa đủ thứ độc tố gây nguy hại cho sức khỏe đang bồng bềnh trôi nổi trên thị trường. Bồng bềnh trôi nổi, bồng bềnh say... để rồi cùng với đó là những ca ngộ độc rượu đau lòng xảy ra. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu truyền thống cũng như siết chặt hơn việc sản xuất, kinh doanh cồn công nghiệp và cồn thực phẩm, để xóa sổ những loại rượu rẻ tiền, kém chất lượng.