Dự báo nhiều thách thức

Giáo dục - Ngày đăng : 06:37, 18/03/2017

(HNM) - Ngày 17-3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 cho hơn 300 đại biểu là đại diện ban giám hiệu trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và phòng GD-ĐT trên địa bàn Hà Nội. Đây là năm đầu tiên thực hiện quy chế mới, kết quả thi


Kỳ thi quy mô lớn

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 diễn ra trong 3 ngày, từ 22 đến 24-6, sớm hơn chục ngày so với năm trước. Đây là thuận lợi đối với HS bởi thời gian từ khi kết thúc năm học (cuối tháng 5) đến lúc thi là phù hợp để ôn tập, tránh kéo dài gây căng thẳng cho HS. Kỳ thi năm nay chỉ còn một loại cụm thi tại địa phương dành cho tất cả HS (không phân biệt cụm thi dành cho HS thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi cho HS thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ) nên HS không phải "đi thi liên tỉnh" như năm trước.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, HS phải dự thi 4 bài thi (gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Bộ GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho HS khi cho phép các em được chọn cả hai bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ.



Kỳ thi năm nay được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn đối với HS, song, những người tham gia tổ chức thi lại đối diện với nhiều thách thức. Đáng kể nhất là việc Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm tổ chức một kỳ thi quy mô lớn cho nhiều đối tượng HS, gồm HS đang học lớp 12, HS chưa đỗ tốt nghiệp và HS đã tốt nghiệp giờ đi thi để lấy điểm tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo ông Bùi Quang Thái, Phó phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), quy mô dự kiến của kỳ thi tại Hà Nội là hơn 80 nghìn HS, tăng khoảng 10% so với năm trước. Tính cạnh tranh cao hơn do kết quả thi được dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, đòi hỏi khâu tổ chức thi phải tuyệt đối nghiêm túc.

Ngoài ra, việc sao in đề thi cũng phức tạp hơn, do số lượng mã đề nhiều hơn (mỗi phòng có 24 mã đề cho 24 HS); loại đề thi nhiều hơn (14 loại, bao gồm 8 bài thi/môn thi thành phần và 6 loại môn ngoại ngữ); nhiều môn thi trắc nghiệm nên số trang in nhiều hơn... Thực tế đó đòi hỏi công tác chuẩn bị phải thật chu đáo bởi nếu để sai sót 1 đề trong tổng số 700-800 đề thi thì có thể sử dụng túi đề dự phòng, nhưng để xảy ra lỗi 2 đề đồng thời mà hội đồng lại thiếu máy photocopy, máy nổ thì sẽ gây hậu quả lớn.

Chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm

Với ngành GD-ĐT Thủ đô, đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi hội nghị về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mục đích là phân tích thuận lợi, khó khăn để xác định cụ thể phần việc, trách nhiệm trong từng khâu. Kỳ thi quy mô lớn, tính cạnh tranh cao nên việc nắm chắc quy chế thi là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức (Hoàn Kiếm) cho biết, từ đầu học kỳ II tới nay, ngoài việc giảng dạy theo tiến độ chương trình năm học, nhà trường đã kết hợp ôn tập cho HS theo các môn mà các em đăng ký. HS không chỉ được truyền đạt về kiến thức, mà còn được chuẩn bị tâm lý dự thi, kỹ năng làm bài trắc nghiệm nhanh, chính xác. Với bài thi tổ hợp (gồm 3 môn thi thành phần), nhà trường luôn nhắc nhở các em kiểm tra mã đề trước khi làm bài, sao cho mã đề của mỗi môn thi thành phần phải trùng nhau.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), nhà trường đã chủ động tập dượt cho HS làm quen với cách thức thi mới thông qua hai lần kiểm tra tập trung. Tuy nhiên, do diễn ra trước khi có quy chế thi nên cách làm chưa bài bản, vì vậy, việc tổ chức cho HS lớp 12 toàn thành phố làm bài khảo sát vào cuối tháng 3 này là cần thiết. Đây là cơ hội để HS, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường rút kinh nghiệm, sẵn sàng cho kỳ thi chính thức.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị lưu ý những điểm mới để triển khai công tác chuẩn bị thi chu đáo. Thầy cô giáo phải là người đầu tiên nắm vững quy chế, làm đúng chức trách, nhiệm vụ, từ đó mới có thể hướng dẫn HS làm đúng quy trình. "Các đơn vị phải đổi mới cách thức phổ biến quy chế, phải tổ chức cho giáo viên thảo luận, chỉ ra những vướng mắc trong thực hiện. Nhà trường tuyệt đối không để giáo viên không thuộc quy chế đi làm thi, không giao trách nhiệm cho những người thiếu trách nhiệm" - Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Chiều 17-3, gần 500 cán bộ phụ trách dữ liệu thi của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và phòng GD-ĐT tham dự buổi tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi. Một trong những yêu cầu cần phổ biến kỹ cho HS năm nay là HS phải đăng ký dự thi THPT quốc gia cùng với việc đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thời gian HS bắt đầu khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ tại các đơn vị từ ngày 1 đến 20-4-2017.

Thống Nhất