Sự chuyển mình mạnh mẽ của nhiếp ảnh
Văn hóa - Ngày đăng : 07:46, 18/03/2017
Tác phẩm “Dẫn dòng điện xanh” của tác giả Lâm Hoàng Thanh Liêm trưng bày tại triển lãm. |
Chiều sâu thông điệp
Đó là cảm nhận chung khi thưởng thức 204 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm. Được tuyển chọn từ 1.793 tác phẩm và công trình sách ảnh dự thi của 403 tác giả trên khắp cả nước, đây là bộ sưu tập có tính tư liệu, nghệ thuật cao, cho thấy một cách sinh động diện mạo của đất nước trong thời kỳ đổi mới cũng như những cống hiến của giới nhiếp ảnh nghệ thuật cả nước thời gian qua.
Ống kính của các nghệ sĩ nhiếp ảnh không đơn thuần làm nhiệm vụ phản ánh, mà làm toát lên chiều sâu thông điệp của tác phẩm. Chẳng hạn như ở “Dẫn dòng điện xanh” - tác phẩm của Lâm Hoàng Thanh Liêm về một công trình điện gió tại tỉnh Bạc Liêu, ngoài hàm chứa những yếu tố làm nên một tấm ảnh đẹp như bố cục chặt chẽ, ánh sáng chuẩn mực... thì ẩn sâu trong đó còn là sự cổ vũ cho một nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch. “Nụ cười mới” của tác giả Vũ Thị Tịnh như câu chuyện về một em bé ở Lâm Đồng vừa được phẫu thuật hở hàm ếch và đằng sau đó là thông điệp về thành quả của công cuộc đổi mới, định hướng hội nhập sâu rộng với thế giới. Người xem cũng có thể cảm nhận ở “Trường Sa Việt Nam” (Lê Văn Hùng) lời khẳng định đanh thép về chủ quyền đất nước, ở “Hoa thép” (Đặng Quang Vinh), “Vũ ba lê” (Nguyễn Hương Vượng), “Nông thôn mới” (Đỗ Hữu Tuấn)… những câu chuyện đẹp về một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.
Triển lãm không chỉ có những bức ảnh đơn, mà còn có nhiều bộ ảnh - những công trình nghệ thuật giá trị về thời kỳ đổi mới. Có thể kể đến “Bốn mùa vẫy gọi” (Hoàng Thế Nhiệm), “Thời bình người chiến sĩ” (Hà Quốc Thái), “Người Cơ Tu” (Trần Tấn Vịnh)…
Tại đây, người xem cũng được tiếp cận với những phương pháp sáng tác mới. Ví như tác phẩm “Cứu” (Phạm Văn Dực) được ghép từ nhiều bức ảnh, qua đó vọng tới người xem lời kêu gọi giữ gìn tài nguyên rừng một cách mạnh mẽ - điều mà một ảnh đơn, dù chân thực đến đâu cũng khó có thể chuyển tải hết.
Đồng hành đổi mới cùng đất nước
Triển lãm phản ánh thành tựu chung, nhưng cũng cho thấy bước phát triển mạnh mẽ của nhiếp ảnh Việt Nam.
Hơn ba mươi năm đất nước đổi mới đã đem lại cho nghệ sĩ cơ hội tiếp cận với nguồn kiến thức nhiếp ảnh rộng lớn của thế giới, được sở hữu và sử dụng những thiết bị hiện đại phục vụ cho sáng tạo.
Đó là một thời kỳ mà lực lượng tham gia hoạt động nhiếp ảnh có số lượng đông đảo nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, công cuộc đổi mới của đất nước với những chuyển biến tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đến giao lưu, hội nhập quốc tế trở thành nguồn đề tài vô tận dành cho nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng. Phép cộng này đã đem lại cho nhiếp ảnh hàng triệu bức ảnh quý giá - những tác phẩm không chỉ chứa đựng giá trị tư liệu lịch sử mà còn là giá trị thẩm mỹ lớn lao dành cho các thế hệ công chúng.
Thực vậy, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã hướng ống kính của mình vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, mở rộng phạm vi đề tài, mạnh dạn ghi lại những vấn đề “nóng” của xã hội trong hành trình hội nhập và phát triển. Cũng trong giai đoạn này, khi trở thành thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), nghệ sĩ Việt Nam dễ dàng tham gia vào các cuộc thi ảnh quốc tế, giành được không ít huy chương. Điều quan trọng là hằng năm, thông qua hàng trăm cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế, nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng hòa chung nhịp bước cùng thế giới. Đây cũng chính là tiền đề cho sự hình thành phương pháp, ý tưởng sáng tác mới trong cách tiếp cận cuộc sống vốn dĩ sinh động và phát triển không ngừng. Thực tế, đã xuất hiện những góc máy táo bạo được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến, những tác phẩm toàn cảnh được thực hiện dưới nước hoặc trên không trung, hay những bộ ảnh, dự án ảnh dài hơi...
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đang hướng ống kính và tâm huyết vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiếp ảnh là phản ánh hiện thực, cổ vũ tình đoàn kết xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngợi ca sự tốt đẹp, chống lại cái xấu và góp phần bồi đắp nhân cách con người. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh nhận định: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng ta có sự xông pha, không quản gian khó. Bên cạnh những tác phẩm tập trung phản ánh, ngợi ca cái hay, cái đẹp, nhiều tác phẩm còn thể hiện sự phản biện, sự lên án cái xấu”.
Bởi thế, qua triển lãm này, phải khẳng định, nhiếp ảnh Việt Nam đã đồng hành cùng đất nước trong suốt hơn 30 năm đổi mới, tạo cơ sở để hy vọng vào sức sống của nhiếp ảnh trong một giai đoạn mới.