Không nên để bộ, ngành tự xây dựng bộ máy

Đời sống - Ngày đăng : 08:15, 18/03/2017

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới ngày 11-3 có bài “Phải phân định rõ trách nhiệm” về tình trạng sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy các bộ, ngành, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả. Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ (TS) Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư pháp cho rằng,





- Lâu nay các bộ, ngành đều tự tổ chức, xây dựng (chủ trì) để trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình. Theo ông điều này đã hợp lý chưa?

- Đây là vấn đề rất đáng xem xét. Xin điểm qua một vài số liệu về tổ chức bộ máy thuộc cấp bộ. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này (khoảng trước và sau năm 2000), cấp phòng được tổ chức rất cá biệt ở một vài bộ thì trong những năm gần đây, việc tổ chức cấp phòng đã trở thành phổ biến. Bộ Tư pháp có 22 đầu mối vụ, cục thì một nửa trong số đó là đơn vị cục, tổng cục; chỉ có một nửa là các vụ tham mưu quản lý nhà nước. Có 8 vụ được tổ chức 35 phòng. Chỉ có 3 vụ không tổ chức cấp phòng.

Qua rà soát mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị nâng Cục Phòng chống thiên tai thành tổng cục, giữ nguyên các phòng thuộc vụ. Tương tự, Bộ KH-CN và nhiều bộ khác cơ bản giữ nguyên đầu mối hiện có. Điều này phần nào phản ánh về thực trạng tinh gọn, tinh giảm đầu mối tổ chức cục, vụ, phòng tại các bộ, ngành trong thời gian qua chưa có đột phá.

Đương nhiên, để giám sát, ngăn chặn những sai sót, cơ chế hiện hành đã chú ý hơn đến vai trò của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và một số cơ quan khác có liên quan, nhưng tôi xin nhấn mạnh, chỉ với vai trò tham gia góp ý, thẩm định. Tổ chức bộ máy do các bộ, ngành tự xây dựng, đề xuất nên vai trò chính vẫn thuộc bộ, ngành chủ quản.

- Nhiều năm làm công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, theo ông thể chế bộ máy các bộ, ngành có còn bất cập?

- Khoản 2, Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ quy định: “Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ”. Quốc hội trao quyền cho Chính phủ quy định về bộ máy tổ chức từng bộ, ngành là chủ trương hợp lý, hợp hiến. Nhưng Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-9-2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ còn khẳng định “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về quản lý ngành, lĩnh vực của bộ thực hiện theo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng bộ”. Đồng thời, Nghị định còn có quy định loại trừ “các quy định về cơ cấu tổ chức của bộ tại nghị định này không áp dụng đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an”. Rõ ràng, quy định trên có mâu thuẫn với Khoản 2, Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ.

Tương tự, xét về chuẩn pháp luật, tôi thấy Nghị định 123/ 2016/NĐ-CP xác định vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của vụ khá lỏng lẻo, trừu tượng, hiểu và giải thích cách nào cũng được, khiến rất khó xác định khi nào, điều kiện nào thì thành lập hay không thành lập một vụ cụ thể thuộc bộ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nếu không giám sát chặt chẽ sẽ có các vụ mới ra đời theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu. Thực tế đã có hiện tượng mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các vụ. Nhìn chung tâm lý chỉ muốn tăng, chia nhỏ chức năng chứ không muốn giảm.

Việc thành lập cục hay tổng cục như tôi đã dẫn số liệu cũng có hiện tượng rất đáng quan tâm. Các quy định này cũng vấp phải lỗi giống như quy định về tiêu chí thành lập vụ tại Điều 18 của Nghị định. Đó là những quy định chủ yếu ở dạng định tính. Bởi vậy, không khó để sử dụng các quy định này để bảo vệ, biện hộ cho ý định thành lập cục thay cho vụ hiện tại.

- Để giúp cải cách, đổi mới tổ chức, bộ máy, thuộc bộ, ngành, theo ông những việc cần làm ngay là gì?

- Định hướng cải cách, đổi mới tổ chức bộ máy thuộc bộ, ngành đã tương đối rõ trong các văn kiện quan trọng của Đảng (Báo cáo chính trị, Nghị quyết Trung ương) từ khóa X đến nay. Trên cơ sở đó, Hiến pháp, luật, pháp lệnh, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa theo hướng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị thuộc bộ bảo đảm không chồng chéo và bỏ sót nhiệm vụ; xem xét hợp nhất các đơn vị tổng cục, cục, vụ. Cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu, bộ, ngành. Theo xu thế này, cần sửa đổi bất cập, đặc biệt là những quy định có tính chất mềm, tiếp đó xem xét nâng Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ thành một chế định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Thứ nữa, không nên để các bộ, ngành tự trình dự thảo nghị định về tổ chức bộ máy của bộ, ngành mình. Theo tôi, đối với các nghị định loại này nên để Bộ Nội vụ chủ trì, chuẩn bị trình dự thảo văn bản.

Cuối cùng, cần giữ nghiêm các quy định về chức danh của cấp phó. Không để vi phạm hoặc lạm dụng theo hướng tự đặt ra cấp, chức danh như chức danh “thứ nhất”, “thường trực”, “hàm” cấp vụ như thực tế lâu nay. Những cán bộ ban hành các quyết định sai trái về tổ chức, nhân sự phải bị kỷ luật nghiêm và xem xét trách nhiệm bồi thường…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong