Không gian cho người đi bộ cần được ưu tiên

Giao thông - Ngày đăng : 08:23, 18/03/2017

(HNM) - Bắt đầu từ ngày 10-3, Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị (TTĐT). Để thấy rõ tầm quan trọng của vỉa hè đối với lĩnh vực giao thông nói chung và đối với người đi bộ nói riêng, Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Trần Hữu Minh, chuyên gia giao thông vận tải (Ủy ban An toàn giao thông quốc gia).

Ảnh: Thương Nguyệt



- Hiện nay, TP Hà Nội đang quyết liệt thực hiện lập lại TTĐT, trật tự an toàn giao thông. Ông đánh giá thế nào về điều này?


- Vỉa hè luôn gắn liền với đường phố, nhiệm vụ cơ bản là phục vụ người đi bộ, giúp phân tách người đi bộ với các phương tiện khác, đặc biệt là phương tiện cơ giới. Bởi vậy, vỉa hè giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của bất cứ đô thị nào. Phát triển không gian đi bộ còn là điều kiện tiên quyết để phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn vì hành khách phải đi bộ để tiếp cận phương tiện công cộng. Thêm vào đó, thời gian đi bộ hai đầu chuyến đi vận tải công cộng có thể chiếm tới 50-60% tổng thời gian chuyến đi, bởi vậy phương tiện vận tải công cộng dù tốt đến đâu cũng chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu chất lượng của người dân, phần còn lại sẽ được quyết định bởi vỉa hè và không gian đi bộ.

Tôi đánh giá rất cao các cố gắng của chính quyền TP Hà Nội trong việc lập lại trật tự đô thị. Việc bảo đảm vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội, cũng như TP Hồ Chí Minh, là giải pháp đúng đắn và đòi hỏi cấp bách từ thực tế hiện nay.

- Theo ông, vi phạm TTĐT ảnh hưởng đến an toàn giao thông như thế nào?

- Vỉa hè bị chiếm dụng buộc người dân phải đi xuống lòng đường sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Nhưng quan trọng hơn, như tôi đã nói ở trên khi không có vỉa hè thì vận tải công cộng cũng rất khó phát triển. Chính điều này dẫn đến việc người dân sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều tai nạn giao thông.

- Vỉa hè vốn được coi là “đặc quyền” của nhà mặt phố, mặt ngõ - đây là quan điểm sai lầm của một bộ phận nhân dân. Nhưng ông có cho rằng do cơ quan chức năng xử lý, xử phạt không nghiêm, dẫn đến thực trạng vi phạm tồn tại trong thời gian dài?

- Tôi cho rằng nguyên nhân của vi phạm đến từ hai phía. Vỉa hè là không gian công cộng, ban đầu có một số hộ gia đình sử dụng cho mục đích cá nhân nhưng không được nhắc nhở, xử lý nên dần trở thành hiện tượng chung. Khi vi phạm nhiều và phổ biến thì cơ quan chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý và xuất hiện tâm lý chấp nhận, cho qua.

- Phương tiện giao thông đỗ dưới lòng đường, vỉa hè là do thiếu trầm trọng điểm đỗ xe. Cơ quan giao thông giải quyết vấn đề này thế nào?

- Trên thế giới, người ta có thể chấp nhận cho đỗ xe dưới lòng đường nhưng vỉa hè thì không dành cho xe cơ giới. Nếu có thì thường cho phép xe đạp, xe máy ở một số khu vực được thiết kế rất rõ ràng, tất nhiên số lượng xe máy của họ ít hơn chúng ta. Về cơ bản vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Còn lòng đường có thể dành cho cả phương tiện lưu thông và đỗ xe.

Nhưng nếu đỗ xe dưới lòng đường thì không gian đường phố cho phương tiện di chuyển sẽ bị thu hẹp. Lúc đó phải mở rộng đô thị và xây thêm đường phố. Diện tích dành cho giao thông của chúng ta mới đạt 1/3 yêu cầu nên việc mở rộng đô thị và có thêm nhiều không gian cho giao thông là tất yếu.

- Ông có góp ý gì cho việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè?

- Do vỉa hè có vai trò quan trọng như vậy nên đô thị tại các nước phát triển đã khai thác tối đa tác dụng của vỉa hè để phát triển phương thức đi bộ nhằm giúp giảm ùn tắc, cải thiện môi trường và nâng cao an toàn giao thông. Quy hoạch không gian đô thị luôn bảo đảm không gian cho vỉa hè. Trong quy chuẩn thiết kế và xây dựng, có những quy định rất chi tiết về chất lượng vỉa hè, chiếu sáng, đèn tín hiệu sang đường,... Trong một số khu vực nhất định khi không gian cho phép, vỉa hè có thể tổ chức các hoạt động khác nhưng vẫn phải bảo đảm không gian cho người đi bộ. Trong tổ chức giao thông luôn có những giải pháp ưu tiên cho người đi bộ (đảo giao thông, chu kỳ đèn riêng cho người đi bộ...).

Tôi cho rằng cần phải tạo ra môi trường bảo đảm không gian cho người đi bộ được ưu tiên số 1, nhưng các hoạt động đỗ xe và mưu sinh của người dân vẫn có thể được đáp ứng một cách quy củ. Muốn vậy phải tổ chức lại không gian đô thị, phương án sử dụng đất và không gian đường phố để bảo đảm không gian đi bộ trước, tiếp đến là đỗ xe, sau đó mới đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân. Tại các tuyến đường có bề rộng mặt đường lớn, có thể thu hẹp lòng đường để bảo đảm không gian cho người đi bộ, sau đó là không gian đỗ xe, phần đường còn lại dành cho giao thông.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Ngân