Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Không quyết tâm sẽ khó hoàn thành
Bất động sản - Ngày đăng : 08:07, 18/03/2017
LTS: Kết quả đợt giám sát mới đây của Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, 6 tháng qua, các cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc tích cực, đạt được nhiều kết quả, song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vẫn còn không ít khó khăn. Nếu các địa phương, ngành chức năng không quyết tâm thì việc thực hiện mục tiêu đến hết tháng 6-2017 hoàn thành cấp GCNQSDĐ của Hà Nội sẽ rất khó khăn...
Bài đầu: Thực tế nhiều vướng mắc
Sáu tháng qua, ghi nhận sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội, toàn thành phố đã cấp hơn 90% GCNQSDĐ. Số tồn đọng không quá lớn, nhưng lại có nhiều vướng mắc trong xử lý.
Linh hoạt cách làm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tính đến 10-3, việc cấp GCNQSDĐ lần đầu trong khu dân cư đạt 90,46%, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình cá nhân sau dồn điền đổi thửa đạt 96,63%. Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, cách làm linh hoạt của các cấp, các ngành, đặc biệt là 6 tổ công tác liên ngành của thành phố. Dồn sức về cơ sở, các tổ công tác đã làm việc với 30 quận, huyện, thị xã để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ; đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Hoạt động giám sát của HĐND thành phố tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai còn cho thấy, các cấp ủy, chính quyền đã coi việc cấp GCNQSDĐ là nhiệm vụ hàng đầu. Ngoài ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các quận, huyện đều tổ chức giao ban, kiểm điểm tiến độ với các xã, phường, thị trấn. Trong đó, huyện Gia Lâm đã có sáng tạo, ngoài ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, huyện còn hỗ trợ kinh phí thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai định mức 30.000 đồng/giấy cho các xã, thị trấn. Đối với những trường hợp vướng mắc, tập thể lãnh đạo huyện cùng họp với các phòng, ban chuyên môn, nghiên cứu từng hồ sơ để có biện pháp giải quyết; nếu vượt thẩm quyền báo cáo Sở TN-MT, đề xuất phương án xử lý. Bằng cách làm này, huyện Gia Lâm đã cấp GCNQSDĐ đạt hơn 91%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn thành phố.
Dù nguồn gốc đất trên địa bàn có nhiều phức tạp, song đến nay quận Thanh Xuân đã cấp GCNQSDĐ được 98% số thửa đất đủ điều kiện. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quận đã phân công rõ người, rõ trách nhiệm gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Tính đến 10-3, thành phố đã cấp GCNQSDĐ lần đầu trong khu dân cư là 1.320.861 giấy, đạt 90,46%; cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa được 606.251 giấy, đạt 96,63%. Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua nhà dự án, toàn thành phố đã cấp được 146.884 giấy, đạt 82,39%. |
Chỉ rõ những tồn tại
Hiện nay, hầu hết quận, huyện, thị xã đều gặp vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ ở (9%), bởi còn tranh chấp, khiếu kiện; giao đất không đúng quy định; lấn chiếm, tự chuyển đổi mục đích…
Huyện Sóc Sơn được cho là “vùng trũng” về công tác cấp GCNQSDĐ khi tỷ lệ cấp chỉ đạt hơn 73%, gần 20.000 trường hợp tồn đọng, trong đó có nhiều thửa đất đủ điều kiện, nhưng người dân chưa kê khai. Quận Bắc Từ Liêm cũng chỉ đạt 75%, hiện còn tồn đọng hơn 12.000 thửa với lý do tương tự. Huyện Chương Mỹ tồn đọng hơn 13.000 thửa giao đất trái thẩm quyền, tự chuyển mục đích sử dụng, lấn chiếm, tranh chấp... Ngoài ra, số hộ chưa kê khai đất trên địa bàn huyện Chương Mỹ rất lớn. Lý do được đưa ra là, người dân không có nhu cầu, trong khi kinh phí trích đo bản đồ địa chính cao (theo quy định hiện hành, thửa đất có diện tích từ 100 đến 300m2, đơn giá 1.554.400 đồng/thửa).
Thực tế, còn có nhiều trường hợp vướng mắc thuộc dạng "bất khả kháng", không thể cấp GCNQSDĐ. Như ở quận Thanh Xuân, nhiều trường hợp có nguồn gốc đất nông nghiệp hoặc đất nằm trong các dự án đã có quyết định thu hồi nhưng đến nay chưa thực hiện.
(Còn nữa)