G20 bỏ cam kết về tự do thương mại

Thế giới - Ngày đăng : 16:47, 19/03/2017

(HNMO) – Sau khi cuộc họp kéo dài hai ngày không thể đạt được thỏa thuận chung, lãnh đạo tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chấm dứt cam kết tự do và mở cửa thương mại toàn cầu, chấp thuận chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.

Ảnh chụp các Bộ trưởng Tài chính G20 và lãnh đạo các ngân hàng trung ương tại cuộc họp tổ chức tại Baden-Baden (Đức) ngày 17-3-2017.



Phá vỡ chính sách mở cửa thương mại kéo dài một thập kỷ, hội nghị bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước G20 chỉ đưa ra những thông tin mang tính tham khảo trong thông cáo chung. Ngoài ra, tuyên bố chung của cuộc họp cho biết sẽ chấm dứt cam kết hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu năm ngoái.

Reuters dẫn lời các quan chức tham dự hội nghị cho biết, tại cuộc họp, Mỹ đã không chấp thuận vấn đề mấu chốt là chính sách tự do thương mại mà G20 yêu cầu các nước phải có sự đồng thuận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết: “Đây là lần đầu tôi tham dự G20 nên những điều trong tuyên bố chung ở quá khứ không liên quan đến quan điểm hiện tại của tôi. Tôi hiểu mong muốn và chính sách của tổng thống và đó chính là những gì tôi muốn thương lượng tại hội nghị này. Tôi rất vui với kết quả của hội nghị”, ông nói.

Với mục tiêu “ưu tiên nước Mỹ”, tổng thống Donald Trump đã quyết định rút khỏi hiệp định thương mại trọng điểm và đề ra luật thuế mới cho lĩnh vực nhập khẩu. Ông Trump khẳng định cần phải cải tổ lại mối quan hệ thương mại để giành lại công bằng cho người lao động Mỹ.

Theo ông Mnuchin, Mỹ tin tưởng vào tự do thương mại bởi Mỹ là một trong những thị trường và đối tác lớn nhất thế giới. Điều này không chỉ có lợi cho nước Mỹ mà còn có lợi cho những cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cần phải kiểm tra lại các thỏa thuận.

Thương mại quốc tế chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu và các quan chức cho biết, vấn đề này sẽ được xem xét lại tại hội nghị lãnh đạo G20 vào tháng 7 tới ở thành phố Hamburg (Đức).

Trong khi đại diện một số nước tỏ ra thất vọng như Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thì một số người bắt đầu tranh cãi về tuyên bố chung. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết, không chấp thuận tự do thương mại không có nghĩa là các nước không còn liên kết và không chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng cần phải làm rõ, chủ nghĩa bảo hộ có ý nghĩa thế nào với mỗi quốc gia. 

Tiến Đạt