Quyết liệt chống thất thoát quỹ bảo hiểm xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 19/03/2017
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Công khai danh sách doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết năm 2016, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các tỉnh, thành phố là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu. Trong đó, nợ BHXH là 6.551 tỷ đồng, nợ BHTN là 323 tỷ đồng và nợ BHYT là 705 tỷ đồng. Tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài và cả doanh nghiệp nhà nước...
Nguyên nhân đã được chỉ ra, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Doãn Mậu Diệp là do người sử dụng lao động cố tình không đóng bảo hiểm cho người làm. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc việc khai báo sự tăng giảm lao động. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ cũng thừa nhận nguyên nhân thuộc công tác quản lý và chính sách xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Bộ LĐ,TB&XH đã đẩy mạnh một số giải pháp, trong đó có việc sửa lại các chế tài xử phạt đối với tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm theo hướng tăng cao mức xử phạt hành chính. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, với trường hợp trốn đóng bảo hiểm, Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ có chế tài để xử phạt và thậm chí có thể xử tù đến 7 năm... Những biện pháp này có thể được triển khai từ ngày 1-7-2017 với hy vọng sẽ làm giảm đáng kể tình trạng nợ đọng bảo hiểm trong một vài năm tới. Ngoài ra, Quốc hội đã giao cho BHXH Việt Nam hiện đại hóa hệ thống quản lý với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng sổ BHXH điện tử. Nhờ sổ điện tử, người lao động có thể cập nhật tình hình đóng BHXH của mình để có cơ sở trao đổi với giới chủ.
Có một giải pháp đã được đề cập từ lâu - lập danh sách và công khai danh tính những doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm - nhưng mới chỉ được thực hiện hạn chế do tâm lý e ngại làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, từ năm 2016, đặc biệt là năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng và đặc biệt là nợ đóng kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng giám sát để giảm thất thoát
Tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT cũng là vấn đề gây chú ý trong thời gian gần đây. Có những trường hợp đi khám chữa bệnh (KCB) nhiều lần trong tháng để lấy thuốc chứ không vì mục đích điều trị. Không ít cơ sở KCB đã dùng nhiều cách để trục lợi Quỹ BHYT như: Chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật hay thuốc điều trị để tăng thu, kê thêm chẩn đoán để hợp lý hóa khoản chỉ định, cố tình đưa người bệnh vào điều trị nội trú để tăng thu tiền giường bệnh, sử dụng các bác sĩ chưa đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề, đăng ký hành nghề để cung cấp dịch vụ y tế.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, xuất phát từ việc còn thiếu các quy định chặt chẽ trong việc cho thuê, mượn máy để cung cấp hóa chất xét nghiệm, đã có sự bất cập nảy sinh từ việc liên kết, liên doanh lắp đặt máy móc, trang thiết bị tại cơ sở KCB theo hình thức xã hội hóa. Để nhanh thu hồi vốn hoặc đáp ứng điều kiện sử dụng hóa chất của các công ty đặt máy, một số cơ sở KCB đã chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, làm gia tăng chi phí phải chi trả từ Quỹ BHYT và của người dân.
Các cơ quan bảo hiểm đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra, từ chối thanh toán các chi phí sai quy định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT. Đặc biệt, từ cuối tháng 6-2016, BHXH Việt Nam đã chính thức vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối với trên 99% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến trung ương trên phạm vi toàn quốc.
Đây là bước đột phá, làm thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí KCB BHYT. Hệ thống vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời chế độ cho người dân, vừa giảm áp lực đối với cơ quan bảo hiểm. BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để rà soát các dịch vụ có giá cao, không phù hợp với thực tế để điều chỉnh nhằm làm giảm tình trạng tăng chỉ định. Năm 2017, ngành BHXH sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng Quỹ KCB BHYT, đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT để bảo đảm công khai, minh bạch cũng như quyền lợi chính đáng cho người bệnh.