Chuyện phiền nhiễu ở các lễ tang
Chính trị - Ngày đăng : 08:16, 23/05/2005
Việc tổ chức lễ tang đang diễn ra với nhiều kiểu cách khác nhau. ở Hà Nội, bệnh viện lớn đều có nhà tang lễ phục vụ từ việc đưa thi hài vào nhà lạnh, khâm liệm, phát tang và tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng... ở đó còn có dịch vụ về quan tài, tang phục… nên tang chủ đỡ phải chạy vạy vất vả. Theo đúng “lịch”, bà con, bạn hữu đến viếng mang theo vòng hoa hay bức trướng, bó hương là tỏ được lòng thành với người đã khuất. Sau lễ viếng là lễ truy điệu, tiễn đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thật là trang nghiêm và gọn nhẹ.
Mai táng ở nghĩa trang Văn Điển hoặc Thanh Tước thì đơn giản, nhưng nếu đem người đã khuất về quê thì nhiều khi xảy chuyện phiền phức rườm rà vì những lễ viếng lần hai, đọc lời điếu của ban lễ tang xã… kéo dài mấy giờ mới cử hành lễ mai táng. Quan tài người chết được hạ huyệt là có thầy cúng đọc bài kệ nhập mộ gắn với tiếng chuông nhỏ dài 30-40 phút. Và theo tục Thọ Mai, gia đình tang chủ tùy theo quả phụ, con trai, con gái, con dâu, con rể mà mang đồ tang khác nhau; nếu là con trai thì có nùn bẹ chuối hoặc nùn rơm nhỏ quấn tròn trên đầu kèm khăn tang dài, còn con gái và con dâu thì đội chào mào xô trắng… Rồi cũng phải đủ thủ tục “cha đưa mẹ đón”, tức là cha mất thì đi đằng sau linh cữu, mẹ mất thì phải chống gậy đi giật lùi như là để đền ơn đáp nghĩa công sinh thành lần cuối.
ở nhiều nơi, người ta đua nhau làm lễ tang người chết thật to. Sự ấy có nhiều nguyên nhân, trong đó có cái lý “con gà tức nhau tiếng gáy”. Người chết phải được chọn giờ khâm liệm, giờ chuyển cữu và giờ hạ huyệt. Lễ viếng và lễ truy điệu cũng kéo dài, có tang chủ còn bày vẽ kèn ta xen lẫn kèn tây, trống chiêng inh tai nhức óc. Cỗ bàn thì la liệt 50-100 mâm, đương nhiên là người viếng phải có phong bì cho “phải nhẽ”. Rồi là “thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay”, nhà khá giả vừa rắc thoi vàng vừa đổi tiền lẻ rắc dọc đường. Đến lúc hạ huyệt thì bát cơm quả trứng phải bẻ nát vứt xuống mộ, cùng tiền trăm, tiền ngàn để người chết có cơm ăn và tiền tiêu ở cõi âm. Còn có cảnh “chơi” kèn cả ngày lẫn đêm, thuê khóc mướn nỉ non sướt mướt. Có nơi, khi đưa linh cữu ra nghĩa địa, tang quyến bị bắt đi chân đất “cho tròn chữ hiếu”.
Thế vẫn chưa hết chuyện. Khi đem người chết về quê, có nơi lại quy định phải lập hai ban lễ tang. ở thành phố cứ làm đủ lễ viếng, lễ truy điệu rồi theo ngày giờ đã hẹn trước mà chuyển linh cữu về quê; đến nơi, “ban lễ tang thành phố” phải bàn giao cho “ban lễ tang quê” rồi tiếp tục lễ viếng, lễ truy điệu... “tăng hai”.
Sau lễ hạ huyệt là lúc họ hàng làng xóm ăn cỗ ba ngày, tùy gia cảnh mà biện ra vài chục mâm nếu không muốn điều ra tiếng vào. 49 ngày sau khi người nhà tạ thế, tang chủ phải đưa lên chùa làm lễ siêu thoát với cơm chay - có khi còn đắt hơn cả cơm mặn. Đó là khi người chết theo đạo Phật, còn người chết theo đạo Thiên Chúa thì cũng phải làm lễ 49 ngày nhưng là tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nhà thờ… Rồi là chờ đến lễ 100 ngày, cũng bày vẽ tụng kinh, cỗ bàn cho đủ lệ bộ. Giỗ đầu cũng phải đủ lễ nghi cho người đời vui lòng, có điều sơ suất là dễ bị chê trách mãi.
Ba hoặc bốn năm sau khi người chết là đoạn tang, phải cải táng, bốc mộ lên chôn lần thứ hai (gọi là “cát táng), đấy mới thực là nơi an nghỉ cuối cùng của người chết. Theo tục Thọ Mai, việc cải táng thường diễn ra vào nửa đêm hoặc 2-3 giờ sáng vì hài cốt gặp ánh nắng sẽ có chuyện không hay(?!). ở các thành phố lớn thì có đội cải táng chuyên nghiệp, nông thôn cũng có nhóm người chuyên làm việc này. Gặp trường hợp hung táng ở thị thành, đem hài cốt về cát táng ở quê thì thường phải làm cỗ để bà con họ hàng dòng tộc, hàng xóm đến dự. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng bây giờ, tang chủ khi có người chết đều phải mua phần mộ, rẻ cũng tiền triệu. Do vậy, nhiều nhà có cha mẹ già thường chuẩn bị đất trước, tức là mua sẵn đất để đấy, khi cha mẹ từ trần là đã có chỗ chôn cất ngay. Những người mua trước như thế có thời gian nhờ thày tướng số chọn đất lành cho con cháu làm ăn phát đạt, thịnh vượng nhờ phúc đức ông bà. Trong TP Hồ Chí Minh, nhiều dòng họ mua đất gần chùa, xây mộ sẵn - thường gọi kim tĩnh,vậy là người nhà yên tâm khi “cha già mẹ héo”.
Suy cho cùng thì con người trên cõi đời này chẳng ai tránh khỏi quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” và một khi đã “sinh ký tử quy” thì ở thời buổi bây giờ có biết bao phiền toái vì hủ tục cũ trỗi dậy chồng lên tục lệ mới. Đám tang không mấy đàng hoàng thì họ hàng dòng tộc phàn nàn, nên nhà nghèo cũng phải chạy vạy làm cho đủ thủ tục, rất khổ cho người sống. Chuyện hương khói người đã khuất là việc cần, nhưng đừng quá câu nệ những lề thói thiếu văn minh. Có lẽ, cái sự rườm rà không cần thiết làm phiền lòng cả người đã khuất vì sinh ra làm người, chả ai mong muốn con cháu, người thân phải khổ sở vì mình cả.
HNM