Vinh dự và trách nhiệm lớn lao của người làm báo hôm nay
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 20/03/2017
Chủ đề của Hội Báo toàn quốc năm nay được căng trên tấm phông lớn: "Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới". Một sự khẳng định, một cam kết tự nguyện, đồng thời cũng là trách nhiệm và vinh dự to lớn của đội ngũ báo chí nước ta.
Phóng viên tác nghiệp tại “Hội Báo toàn quốc 2017”. Ảnh: Anh Tuấn |
Công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ của đất nước tính từ năm 1986 đã bước sang năm thứ 31, bằng hoặc hơn tuổi đời nhiều nhà báo ngồi trên các hàng ghế đại biểu hoặc đang tác nghiệp hôm nay. Một đội ngũ đông đảo và lớn mạnh. Mạnh cả về số lượng, với gần hai mươi nghìn nhà báo được cấp thẻ và vài ba lần lớn hơn con số đó của những người là cộng tác viên. Đặc biệt là mạnh về sứ mệnh, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. Với báo chí, thật chẳng khác nào rồng được chắp thêm đôi cánh.
Công cuộc đổi mới, như chúng ta đã biết, trước hết là đổi mới tư duy, một sự nghiệp quan trọng và lớn lao cần được bắt đầu từ tư duy, nhận thức; cần phải huy động báo chí, tích cực tham gia để sửa đổi tất cả những gì cũ kỹ, lạc hậu, không còn được cuộc sống và nhân dân chấp nhận, những thứ đã trở thành lực cản đối với sự phát triển đi lên của đất nước. Đổi mới đã trở thành đòi hỏi có tính sống còn, nhưng đổi mới như thế nào, lại là một vấn đề không hề dễ dàng, đơn giản, nhất là ở vào thời điểm "vạn sự khởi đầu nan". Từ những bước đi ban đầu đầy khó khăn và trăn trở ấy, đội ngũ những người cầm bút ở nước ta đã thể hiện là những người chiến sĩ dũng cảm, tiên phong trong công cuộc đổi mới.
Chủ đề "Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới" cũng là nhận xét, đánh giá của Đảng và nhân dân, sự ghi nhận dành cho báo chí cách mạng nước ta trong toàn bộ tiến trình đổi mới. Tôi hiểu chủ đề ấy không phải chỉ để nói về "sự đồng hành" của báo chí trong năm 2016, 2017.
Nói báo chí "đồng hành" là một cách ghi nhận "nói chung" từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng. Chúng ta có thể tự hào về vai trò tiên phong, mở đường, dẫn dắt dư luận của rất nhiều nhà báo có tên tuổi và nhiều cơ quan báo chí vốn được bạn đọc và nhân dân yêu quý. Bằng sự mẫn cảm của tư duy đổi mới, sự phát hiện nắm bắt, thấu hiểu được tính cấp bách và những đòi hỏi của cuộc sống và thời đại, nhiều nhà báo đã can đảm xông pha trên mọi lĩnh vực; chăm chút, nâng niu, cổ vũ cho cái mới, cái tiến bộ; đấu tranh, vạch trần, phê phán không khoan nhượng với những trì trệ, lạc hậu; góp phần đẩy lùi những nhân tố tiêu cực đang cản bước công cuộc đổi mới. Rất nhiều nhà báo không chỉ xứng đáng với danh hiệu "Người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa" mà còn là tiếng nói đại diện xứng đáng cho đòi hỏi và khát khao đổi mới của nhân dân, là những chiến sĩ dũng cảm, tiên phong trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những tin bài mang đậm hơi thở của cuộc sống, và bằng những dự cảm, cảnh báo, những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ ý nguyện của nhân dân.
Những ai đã trải qua những tháng năm cả nước phải đấu tranh, vật lộn đầy cam go với những suy nghĩ, cách làm, vô số thứ thật là trái khoáy, phản tác dụng nhưng nó đã trở thành những nếp mòn, thói quen của hàng triệu người mới thấy được bản lĩnh, sự sáng suốt, năng động, sáng tạo vô tận của nhân dân, của Đảng và những đóng góp kịp thời của đội ngũ báo chí nước ta suốt mấy chục năm qua.
Là những người cầm bút với sứ mệnh và trách nhiệm cao cả gánh trên vai, đội ngũ báo chí nước ta luôn nỗ lực phấn đấu, tự đổi mới bản thân và góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Những người làm báo luôn nỗ lực giữ cho ngòi bút tỉnh táo, sáng suốt. Khen ngợi, biểu dương nhưng không hời hợt, bốc đồng, thêu dệt hoặc tô hồng một chiều như cách viết của thời bao cấp. Phê bình nhưng không để cho những động cơ cá nhân không trong sáng xen vào cái chung, cùng với nhân dân vắt óc nghĩ suy để đưa ra những giải pháp, khắc phục. Từng tác giả, từng tờ báo đã hết sức đề cao trách nhiệm để không mắc phải những vấp váp, sai lầm nóng vội, cực đoan, phủ định sạch trơn. Với những đóng góp ấy, đội ngũ những người làm báo nước ta xứng đáng nhận được sự tôn vinh, quý trọng.
Từ lâu, tôi luôn tự coi mình là bạn đọc nhiệt tình và là đồng nghiệp của báo chí. Với lòng yêu nghề và sự thôi thúc trước những vấn đề nóng hổi của đất nước, tôi vẫn thường xuyên cầm bút. Tôi hiểu được những khó khăn, trăn trở trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo hôm qua và hôm nay. So với các thế hệ nhà báo trước đây, các bạn phóng viên, cộng tác viên, những người lãnh đạo các cơ quan báo chí hôm nay đang có được những điều kiện, những phương tiện và một môi trường xã hội thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Các nhà báo của chúng ta đang tác nghiệp với những trang bị hiện đại, gọn gàng hiệu quả: máy ảnh, máy vi tính và nguồn tin thì ngập tràn, cả trên mạng và trong thực tiễn sôi động của đất nước cùng với tinh thần cởi mở, công khai của xã hội hôm nay. Công cuộc đổi mới đất nước mở ra cơ hội cho các hoạt động và đóng góp của báo chí, nhưng đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi và những thách thức ngày càng cao cả về tri thức, đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh những nhà báo, tờ báo luôn cố gắng làm tốt vai trò cầu nối, là "Tiếng nói của Đảng, diễn đàn của nhân dân", thì cũng có không ít nhà báo, tờ báo đã không còn xứng đáng với sự mong đợi và sự trân trọng vốn có lâu nay của công chúng. Đâu đó, bạn đọc tỏ ra nghi ngại, thiếu tin vào tính xác thực, khách quan và động cơ của những tin, bài được đăng, phát trên báo chí. Trước những cám dỗ đời thường và thách thức của môi trường tác nghiệp về kiến thức, đạo đức lẫn lương tâm, trách nhiệm, không ít nhà báo đã không vững vàng trên vị trí của mình. Như đánh giá trên các văn bản chính thức của Đảng về một bộ phận (hoặc bộ phận không nhỏ) cán bộ, đảng viên, trong đó hẳn là có các nhà báo đã không còn giữ được cho mình những phẩm chất cần phải có của một nhà báo chân chính, nhà báo cách mạng. Dư luận xã hội cảnh báo về hiện tượng "tự chuyển hóa", "tự diễn biến", tự làm phai nhạt truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của báo chí cách mạng nước ta. Những hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tha hóa trong đời sống, lối sống với nhiều cấp độ khác nhau không còn là cá biệt. Một trong những tiêu chí sống còn đối với báo chí, đó là tính trung thực đã bị một số nhà báo cố tình vi phạm, tự mình bán rẻ bản quyền lương tâm và đạo đức của người làm báo.
Có những nhà báo, hằng ngày hăm hở chạy theo những tin bài giật gân, câu khách, chẳng đem lại cho bạn đọc và xã hội món ăn tinh thần bổ ích nào trong bảng thực đơn báo chí. Lạm dụng nghề nghiệp và sứ mệnh cao cả của báo chí vào mục đích cá nhân hoặc chạy theo những "hợp đồng" của những phần tử xấu muốn mượn oai danh báo chí cách mạng làm ô dù, mưu cầu tiến thân, làm giàu bất chính...
Trên đường tới dự "Hội Báo toàn quốc 2017", tôi vội lướt qua một vài "tin nóng" đăng trên các báo mạng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại lên tiếng chỉ trích và chế nhạo báo chí Mỹ. Ông nói: "Tôi sẽ không có cơ hội được nói chuyện với mọi người hôm nay với tư cách là Tổng thống nếu như không có sự giúp sức của trang mạng cá nhân. Nhờ có nó tôi mới có cơ hội được tiếp cận với 80, 90 triệu người mỗi ngày. Nhờ có nó mà những ý nghĩ, lời nói của tôi mới không bị báo chí (Mỹ) cắt xén, xuyên tạc...". Một lần nữa, Tổng thống Donald Trump lại không tiếc lời công kích, phê phán "nền báo chí không trung thực, lừa dối nhân dân" của nước Mỹ.
Giữa Tổng thống Donald Trump và báo chí Mỹ - một nền báo chí lâu nay vẫn tự cho mình là tự do, dân chủ bậc nhất - ai là trung thực? Câu hỏi đó khiến cho nhiều người khó khăn lựa chọn câu trả lời, hoặc phải chờ thời gian trả lời. Song, một nền báo chí hùng mạnh của nước Mỹ lại khiến cho một độc giả lớn - Tổng thống nước Mỹ - nghi ngờ về tính vô tư, khách quan, trung thực và bị đánh giá thấp về vai trò tác dụng đối với công chúng, là vấn đề thời sự nóng của báo chí nói chung.
Để làm tròn sứ mệnh cao cả và phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước ta, cùng với việc tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng và trong xã hội, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam càng phải ra sức đổi mới, chỉnh đốn, kiên quyết loại bỏ những yếu kém và tiêu cực trong đội ngũ của mình, để xứng đáng hơn nữa với niềm tin và mong đợi của xã hội.
Với chủ đề của "Hội Báo toàn quốc 2017 - Báo chí Việt Nam đồng hành cùng đất nước đổi mới", tôi cảm nhận được ý nghĩa, tầm quan trọng cùng với vinh dự và trách nhiệm lớn lao mà đội ngũ báo chí cách mạng nước ta đã và đang gánh vác.