Nhà băng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao

Tài chính - Ngày đăng : 14:56, 21/03/2017

(HNMO) - Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đưa ra thị trường chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi niêm yết đến gần 9%/năm.


Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VND trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm+1 ngày hoặc 7 năm được hưởng lãi suất lần lượt 8,48%/năm và 8,88%/năm trong năm đầu tiên.


(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Hay như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng tiền VND với tổng giá trị lên 1.000 tỷ đồng. Khi khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng được hưởng lãi suất tới 8,8%/năm.

Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi sẽ được cố định theo mức tiền gửi trong suốt kỳ hạn. Khách hàng có thể mua với số tiền không hạn chế, phù hợp với nhu cầu.

Đáng chú ý, không phải nhà băng nào cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài 5-7 năm mà có nhà băng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn ngắn hơn nhiều. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng với lãi suất 8,2%/năm. Lãi suất này sẽ được cố định trong suốt thời hạn của chứng chỉ tiền gửi và sẽ trả lãi vào cuối kỳ hoặc định kỳ tùy theo từng kỳ hạn khác nhau. Khách hàng có thể mua với số tiền không hạn chế, phù hợp với từng nhu cầu đầu tư.

Để thu hút người mua, các nhà băng cho biết, khách hàng có thể tự do chuyển nhượng hoặc khi cần thiết có thể sử dụng để làm tài sản cầm cố để vay vốn. Đặc biệt, có nhà băng còn cho phép khách hàng có thể tất toán, rút tiền gửi trước hạn hoặc chuyển quyền sở hữu cho bên thứ ba trong suốt thời hạn của chứng chỉ tiền gửi.

Ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi được cho là nhằm hút nguồn vốn dài hạn để đảm bảo thanh khoản và cơ cấu lại dòng vốn.

Thanh Hương