Hà Nội khảo sát học sinh lớp 12: Cuộc tập dượt quy mô lớn

Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:04, 22/03/2017

(HNM) - Từ ngày 20 đến hết sáng 22-3, hơn 62.000 học sinh (HS) lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội được tham dự kỳ thi khảo sát với các bài kiểm tra tương tự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Thầy trò thấp thỏm

Kỳ thi khảo sát trên địa bàn toàn thành phố được chia làm 16 cụm trường, mỗi cụm bao gồm một số trường THPT công lập, ngoài công lập và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cùng địa bàn. Cụm trưởng có trách nhiệm tổng hợp số lượng HS và phân chia HS tại từng điểm thi sao cho HS không phải đi quá xa, đồng thời bảo đảm tính nghiêm túc trong khâu coi thi.

Thi khảo sát giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Nhật Nam


Ghi nhận chung, dù chỉ là "thi thử", song hầu hết HS các trường đều khá lo lắng. "Chúng em phải làm bài kiểm tra trong 2,5 ngày liên tục, với 5 bài thi, nhưng thực chất là phải học, ôn tập tới 9 môn thi (vì ngoài 3 môn độc lập, mỗi bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội lại gồm 3 môn). Ngoài ra, đây là lần đầu tiên chúng em được tập dượt cho một kỳ thi có hầu hết các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ), trong đó có những môn khó, lần đầu áp dụng như toán, giáo dục công dân" - em Nguyễn Mai Anh, Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) chia sẻ.

Ồng Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai) cho biết, cụm trường Hoàng Mai - Thanh Trì có gần 10 trường THPT có HS tham dự kỳ khảo sát, trong đó HS của Trường THPT Trương Định gần 450 em. Theo đánh giá chung, HS có ý thức làm bài nghiêm túc, tuy nhiên không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Đây là điều dễ hiểu trước mỗi kỳ thi, đặc biệt là đối với kỳ thi quan trọng, có nhiều điểm mới. Thực tế này đòi hỏi giáo viên ngoài trang bị kiến thức phải quan tâm tới kỹ năng, tâm lý cho HS trước khi vào kỳ thi chính thức.

Đánh giá chung về kỳ khảo sát, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) cho rằng, đây là cuộc tập dượt có ý nghĩa không chỉ với HS mà với cả cán bộ quản lý, giáo viên. HS được làm quen với cách thức thi mới, thầy cô giáo được tập dượt nhiều đầu việc mới, từ đó cùng nhìn nhận lại công tác chuẩn bị của đơn vị mình để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng với yêu cầu.

Sai sót không ảnh hưởng đến kết quả học tập

Nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra tại kỳ khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội là ở bài thi môn toán có một câu của một mã đề không có phương án đúng. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Trưởng ban đề thi (Sở GD-ĐT Hà Nội) thừa nhận sai sót này và cho biết, đây là lỗi kỹ thuật của khâu ra đề, cả 4 đáp án trong mã đề này đều không phải là phương án đúng. "Trách nhiệm này thuộc ban ra đề thi. Tôi xin nhận trách nhiệm và có giải trình với ban giám đốc Sở GD-ĐT", ông Phạm Hữu Hoan thông tin.

Về phương án giải quyết sự cố này, ông Phạm Hữu Hoan cho biết, sau khi HS kết thúc 5 bài kiểm tra khảo sát, Sở GD-ĐT sẽ chuyển đáp án cho các hội đồng chấm, kèm theo hướng dẫn cụ thể. Phương án dự kiến là tất cả HS đều được tính điểm ở câu này (mỗi câu hỏi bài trắc nghiệm toán được 0,2 điểm). Thông tin này được các giáo viên, HS đồng tình ủng hộ. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), đặc thù của đề TNKQ là đúng câu nào được điểm câu đó, sai ở đâu trừ điểm ở đó, nên mức độ ảnh hưởng của việc sai sót trong một câu của đề không lớn. Hơn nữa, kết quả bài kiểm tra không tính vào điểm học tập của HS nên tâm lý các em khá thoải mái.

Còn theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình): Nhà trường có 180 HS lớp 12. Quá trình tổ chức khảo sát cho thấy những hạn chế trong công tác tổ chức, đơn cử là sai sót trong khâu ra đề. Dù là bài "thi thử", tuy không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng với những người tổ chức thi, đây là bài học cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, ông Phạm Hữu Hoan khẳng định chủ trương của Sở GD-ĐT ngay từ đầu là không lấy điểm kiểm tra khảo sát vào kết quả học tập của HS. Tuy nhiên, ban chỉ đạo kỳ thi khảo sát nghiêm túc nhìn nhận toàn bộ quy trình tổ chức thi, đặc biệt là khâu sao in đề để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Tại kỳ thi này, mặc dù Sở GD-ĐT chỉ làm nhiệm vụ sao in từ đề thi gốc của Bộ GD-ĐT, song Sở cũng sẽ rà soát kỹ trước khi thực hiện.

Năm nay, áp lực trong khâu sao in đề rất lớn do số lượng mã đề nhiều (mỗi phòng 24 mã đề cho 24 HS) và số loại đề thi cũng tương tự (đề của bài thi tổ hợp gồm 3 môn thành phần...). Ngoài ra, điểm mới của kỳ thi năm nay là đối với những phòng thi có HS đã tốt nghiệp THPT chỉ đăng ký 1-2 môn trong bài thi tổ hợp để xét tuyển đại học thì hội đồng sao in phải in đúng, đủ cho 1-2 môn này. "Điều này càng làm tăng độ phức tạp trong quá trình sao in. Vì vậy kỳ tập dượt vừa để nhìn nhận lại mức độ đáp ứng của các công việc chuẩn bị cho kỳ thi, vừa cho thấy những khó khăn, thử thách trước một kỳ thi lớn sắp tới", ông Phạm Hữu Hoan chia sẻ.

Thống Nhất