Thị trường nông thôn: Mảnh đất tốt không dễ khai thác

Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 22/03/2017

(HNM) - Thị trường nông thôn có mức tăng cao hơn khu vực thành thị 0,3% ở nhóm ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, với điều kiện địa hình, hạ tầng không thuận lợi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc đưa hàng về khu vực nông thôn, miền núi không dễ dàng.

Các doanh nghiệp đưa hàng về phục vụ nhân dân huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt


Mức tăng cao hơn khu vực thành thị

Theo báo cáo hằng quý mới nhất vừa được Công ty Nielsen Việt Nam công bố, ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam (thức uống, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình...) có mức tăng trưởng từ 3,2% đến 11,6%. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý của báo cáo là khu vực nông thôn có mức tăng cao hơn thành thị 0,3%; được xem là "mảnh đất màu mỡ" không chỉ của lĩnh vực bán lẻ, mà còn của doanh nghiệp (DN) sản xuất. Cụ thể, vùng nông thôn tăng mạnh với mức 7%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng trên toàn quốc, nhờ mức thu nhập bình quân và khả năng chi tiêu ngày càng cải thiện. Bên cạnh đó là nhờ tiếp cận với internet, điện thoại thông minh tốt hơn để tìm hiểu thông tin về sản phẩm và chất lượng.

Mặc dù là hạt nhân của chương trình này, nhưng thực tế chưa có nhiều DN mặn mà và việc thâm nhập vào thị trường nông thôn vẫn mang tính dàn trải, chưa thật sự bài bản, lâu dài. Nhiều DN chỉ tập trung vào các thành phố lớn, vốn có sẵn điều kiện thuận lợi về hạ tầng thương mại, lượng khách hàng nhất định. Đến nay, hưởng ứng nhiệt tình nhất vẫn là các tổng công ty, DN nhà nước.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), những DN nhỏ và vừa có nguồn lực tài chính yếu thường không có điều kiện phát triển kênh phân phối nên gặp khó khi đưa hàng Việt về nông thôn. Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, do không có địa điểm tổ chức cố định nên những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn vẫn mang tính mùa vụ.

Tham gia hội chợ đưa hàng Việt về huyện Quốc Oai, anh Nguyễn Mạnh Hùng (xã Thạch Thán) cho biết, ở vùng ngoại thành ít khi có các sự kiện như vậy được tổ chức. Vì thế, hội chợ là dịp để gia đình anh tham quan, mua sắm những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chất lượng tốt lại không phải đi xa. Có chung nhận xét, bà Nguyễn Thu Huyền (xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai) mong muốn, bên cạnh các hội chợ hàng Việt, DN nên mở rộng kênh phân phối tại khu vực ngoại thành để bà con tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, giá phù hợp.

Doanh nghiệp nên vượt khỏi “vùng an toàn”

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng bộ phận Đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam nhận định, đã đến lúc các nhà sản xuất phải bước ra khỏi "vùng an toàn" là các thành phố lớn, nắm bắt cơ hội phát triển thị trường nông thôn. Đây là thị trường còn nhiều tiềm năng, chiếm 68% dân số toàn quốc, có tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua.

Ông Nguyễn Anh Dũng khuyến nghị, DN cần có cách tiếp cận bài bản, sản phẩm bảo đảm chất lượng bằng uy tín thương hiệu, đa dạng các kênh mua sắm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. DN cũng cần kết nối và chăm sóc khách hàng nhằm biến mỗi người bán hàng thành một đại sứ thương hiệu, khai thác sức mạnh của truyền hình cùng với quảng cáo kỹ thuật số để kết nối với nhóm người tiêu dùng trẻ.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, với đóng góp 51% doanh số bán hàng tiêu dùng, tầm quan trọng của thị trường nông thôn đã tăng lên trong thời gian qua, đòi hỏi các nhà sản xuất phải nắm bắt các xu hướng mới nổi trong thị trường đầy hứa hẹn này.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường… Đồng thời, có chế tài xử lý mạnh các hình thức gian lận thương mại.

Là DN thương mại lớn của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, việc phát triển thị trường nông thôn, nơi có lượng lớn người tiêu dùng, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của DN. Tuy nhiên, chỉ các DN thật sự vì cộng đồng mới mặn mà với thị trường này, vì với điều kiện địa hình, hạ tầng không thuận lợi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc đưa hàng về khu vực nông thôn, miền núi không dễ dàng. Thời gian qua, để đưa hàng về nông thôn, Hapro phải cử người nghiên cứu thị trường, tùy từng giai đoạn bán và giới thiệu những sản phẩm cụ thể. Lượng hàng hóa cũng phải đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân. Năm qua, Hapro đã thực hiện hàng trăm chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. DN hầu như không có lãi nhưng nhận được cảm tình của bà con. Có lẽ vì vậy mà không thấy các “ông lớn” trong ngành bán lẻ tham gia chương trình này.

Thanh Hiền