Xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt cho các xã vùng dân tộc miền núi
Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 23/03/2017
Thời gian qua, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 14 xã dân tộc miền núi được TP Hà Nội tập trung chỉ đạo đồng bộ quyết liệt, với sự hưởng ứng của nhân dân đã thu được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện.
Tính đến hết năm 2016 đã có 4/14 xã vùng dân tộc miền núi là Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất) và Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã là Đông Xuân (Quốc Oai) và Trần Phú (Chương Mỹ) đạt 16/19 tiêu chí. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% số xã vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự quan tâm đặc biệt của TP Hà Nội với các xã và đồng bào vùng dân tộc miền núi. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến lưu ý, để khu vực này thực sự phát triển, thành phố cần nghiên cứu, xây dựng khung và cơ chế, chính sách đặc biệt hơn nữa cho các xã vùng dân tộc miền núi. Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc sẽ làm việc với UBND thành phố, Chính phủ để hỗ trợ đầu tư riêng theo khung này. Bên cạnh đó, các cấp cần chú ý hơn tới việc tạo sinh kế cho người dân như các mô hình của xã Ba Vì. Ủy ban Dân tộc sẵn sàng tìm nguồn bao tiêu sản phẩm cho đồng bào dân tộc của Hà Nội…
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đi thăm Nhà văn hóa thôn 6, nông trại trồng và sản xuất chè của ông Nguyễn Văn Hùng (thuộc xã Ba Trại), Trường Dân tộc nội trú huyện Ba Vì.