Từ lớp 11, học sinh sẽ được giảm số môn học bắt buộc để tránh quá tải

Giáo dục - Ngày đăng : 17:32, 24/03/2017

(HNMO) - Chiều 24-3, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, chương trình có thể sẽ được thực hiện vào đầu năm học 2018-2019.

Chương trình GDPT mới sẽ hình thành và  phát triển cho học sinh nhiều phẩm chất và năng lực


Cụ thể, cho đến ngày 24-1-2017, nhóm biên soạn chương trình GDPT mới đã hoàn thành khung chương trình tổng thể để chuyển đến Hội đồng thẩm định Quốc gia. Trong các ngày từ 20 đến 24-2, Hội đồng thẩm định đã họp, biểu quyết thông qua dự thảo để công bố trên mạng, xin ý kiến nhân dân.

Kết quả có 42% ủng hộ thông qua chương trình mà không cần sửa chữa; 58% ủng hộ thông qua nhưng cần sửa chữa.

"Chúng tôi hiểu rằng dự thảo vẫn còn sửa nhiều nên thời gian qua đã tập trung làm việc. Cho đến ngày 14-3, bản thảo cuối cùng đã hoàn thành và chuyển Hội đồng thẩm định và Vụ pháp chế, chờ ý kiến trình lên Bộ trưởng, sau đó sẽ công bố rộng rãi", GS Thuyết nói.

Với tiến độ như vậy, GS Thuyết khẳng định, chương trình sẽ có thể được triển khai vào đầu năm học 2018-2019 như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, theo GS Thuyết, cũng cần phải có thời gian để Chính phủ làm việc với từng địa phương, yêu cầu chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thực hiện chương trình mới.

So với chương trình hiện hành, điểm mới nhất của dự thảo là định hướng lại về nội dung giáo dục cho đúng, đặc biệt ở bậc THTP. Cụ thể, lớp 10 được lấy làm lớp dự hướng, giúp học sinh có được sự chuẩn bị nhất định chọn hướng nghề nghiệp. Lớp 11, 12 sẽ là giáo dục định hướng nghề nghiệp nên nếu học 14, 15 môn như hiện nay sẽ gây quá tải. Do đó, dự thảo quy định, ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục thể chất, quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo..., mỗi học sinh sẽ tự chọn 5 môn trong những môn còn lại theo định hướng của mình.

"Dự thảo chương trình GDPT mới vẫn cần được đánh giá tác động. Ngay trong quá trình xây dựng, bất kỳ điểm mới nào đều phải được đánh giá, kiểm định thực tế xem sẽ tác động đến các giáo viên, học sinh, đến ngân sách, chi phí xã hội như thế nào. Cũng trong quá trình xây dựng, nhóm biên soạn đã cho soạn thử một số bài mới để giảng dạy thử vào tháng 4-5 này" - GS Thuyết cho biết.

Cũng liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, dự thảo sẽ được công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức.

Theo dự thảo, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2.

Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Bảo Hân