Tăng cường trách nhiệm liên ngành

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:08, 25/03/2017

(HNM) - Việc bảo đảm nguồn nước sạch trong nhà trường, không chỉ là nước uống mà cả nước dùng cho sinh hoạt, là vấn đề quan trọng không kém so với nhiệm vụ bảo đảm cho học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, sạch sẽ với đủ dụng cụ học tập cần thiết hay tổ chức bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn.


Nói vậy là bởi chất lượng nước dùng trong trường học có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của học sinh và giáo viên, tới chất lượng dạy và học, tới khả năng phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, đặc biệt là những trường có tỷ lệ học sinh học bán trú ở mức cao.

Thông tin về kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh nước uống dùng trong các trường học tại Hà Nội cũng như sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT trong việc ban hành các quy định liên quan tới y tế học đường, trong đó có quy định về số lượng nước sạch cần có cho mỗi học sinh, cho thấy sự quan tâm của các cấp, ngành đối với phần việc này. Về phương diện ban hành chính sách, đề ra quy định chung liên quan đến việc cung cấp nước sạch trong các nhà trường, có thể nói là chúng ta đã có tương đối đầy đủ những gì cần có nhằm hướng tới mục tiêu về y tế học đường, bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên.

Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ cần có chính sách, những điều luật, những quy định, mà còn cần tới năng lực giám sát, kiểm tra nhằm bảo đảm cho chính sách, luật pháp, quy định đó có được sự vận hành trôi chảy trong đời sống hằng ngày. Như với quy định về khẩu phần nước uống cần có cho học sinh mỗi ngày, việc giám sát, kiểm tra không chỉ giúp cho trẻ có đủ lượng nước uống cần thiết cho cơ thể, mà còn bảo đảm rằng số được cung cấp đó phải là nước sạch, an toàn theo quy chuẩn quốc gia.

Việc kiểm tra thường xuyên còn có tác dụng ngăn chặn hành vi trục lợi thông qua việc cung cấp nước cho các nhà trường, chẳng hạn như việc cố tình ký hợp đồng cung cấp nước đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống không đủ điều kiện cần có theo quy định. Việc kiểm tra, giám sát còn là để cơ quan quản lý có thêm cơ sở đánh giá năng lực, điều kiện cung cấp nước sạch cho các nhà trường thuộc khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, từ đó có kế hoạch liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, xây dựng phương án cải tạo nguồn nước (nếu cần), đề ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở từng nơi.

Để bảo đảm cung cấp nước sạch cho các nhà trường, điều quan trọng là phải huy động được sự vào cuộc thực chất của nhiều ngành, của cộng đồng, chứ chỉ có ngành Y tế và Giáo dục thì chưa đủ. Sự phối hợp liên ngành, tinh thần cộng đồng trách nhiệm là cần thiết bởi thông qua đó, chúng ta sẽ xây dựng được mạng lưới giám sát và đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc cung cấp nước cho các nhà trường trên phạm vi toàn quốc.

Cũng từ sự phối hợp đó, cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể nơi nào có nguồn nước không bảo đảm và đề ra phương án khắc phục; nước uống đóng bình có được sản xuất theo quy trình cần thiết và bảo đảm an toàn hay không, những trường học nào cần được giúp đỡ để có thêm máy lọc nước và dụng cụ chứa nước đạt chuẩn... Nỗ lực chung sẽ giúp chúng ta xác định chính xác bức tranh toàn cảnh, nhận ra điểm nhấn đầu tư nhằm giải quyết tận gốc vấn đề tồn tại trong việc cung cấp nước sạch cho các nhà trường.

Chăm sóc sức khỏe học đường là phần việc quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới nền tảng sức khỏe, trí tuệ, nhân cách của thế hệ tương lai. Cung cấp đủ nước sạch cho học sinh chỉ là một phần việc trong chuỗi việc cần làm, nhưng xứng đáng nhận được sự quan tâm thực chất, có trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng. 

Dục Tú