Brazil "chao đảo" vì bê bối thịt bẩn

Thế giới - Ngày đăng : 07:44, 25/03/2017

(HNM) - Cảnh sát Liên bang Brazil vừa ra thông báo mở cuộc điều tra vụ bê bối thịt bẩn được cho là lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.

Nhân viên y tế kiểm tra tại một quầy thực phẩm ở Brazil.


Theo thông tin ban đầu, sau hai năm bí mật điều tra, cảnh sát Brazil đã phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng để tuồn ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cũng được cho phép sử dụng axít và một số chất gây ung thư để các sản phẩm chế biến từ thịt hấp dẫn hơn khi bán ra thị trường. Hơn 1.000 cảnh sát đã ập vào các nhà máy sản xuất thịt tại 194 địa điểm trên toàn quốc và bắt giữ hơn 30 người.

Chính phủ Brazil cũng đình chỉ công tác của hơn 30 quan chức có nhiệm vụ giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho đến nay, đã có 3 nhà máy sản xuất thịt tại Brazil bị đóng cửa và 21 cơ sở khác đang bị điều tra. Một số công ty bị cáo buộc đút lót cho các kiểm soát viên để họ làm ngơ trước quy trình xử lý thịt thối. Rất nhiều chuyến tàu chở thịt bò và gia cầm xuất khẩu từ Brazil nhiễm khuẩn salmonella gây ngộ độc thực phẩm đến các quốc gia trên thế giới.

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil đã lan nhanh khắp các châu lục vì với khoảng 4.000 nhà máy giết mổ và sản xuất thịt, Brazil là nước xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới với kim ngạch lên tới 11,6 tỷ USD trong năm 2016. Các sản phẩm thịt của Brazil được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường chủ lực như Saudi Arabia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Nga, Hà Lan, Italia, Việt Nam…

Cho đến ngày 23-3, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tạm thời các sản phẩm thịt từ Brazil. Theo đó, một loạt cửa hàng, chuỗi dịch vụ ở Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đã loại bỏ thịt bò, gà và thịt lợn Brazil khỏi thực đơn. Liên minh Châu Âu (EU), Chile, Việt Nam... cũng đã có những quyết định tương tự. Hiện các tổ chức đại diện cho quyền lợi của chủ các trang trại tại Châu Âu đã kêu gọi Ủy ban Châu Âu có những hành động mạnh mẽ hơn đối với việc nhập khẩu thịt từ Brazil sau vụ bê bối thực phẩm gây chấn động.

Việc các loại thịt của Brazil bị “cấm cửa” ở nhiều nước sẽ tác động mạnh tới GDP của nước này. Xuất khẩu thịt gà, bò và thịt lợn chiếm tới 10% tổng giá trị xuất khẩu của Brazil. Viện Nghiên cứu kinh tế Capital Economics dự đoán, nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị tác động mạnh, có thể mất 0,2% GDP vì vụ bê bối trên. Con số này còn chưa dừng lại bởi phụ thuộc vào kết quả điều tra sau này cũng như thời gian các quốc gia trên thế giới duy trì lệnh dừng nhập khẩu.

Theo số liệu từ Bộ Ngoại thương Brazil, tính đến ngày 21-3, ngành xuất khẩu thịt của nước này xuất đi lượng sản phẩm trị giá vỏn vẹn 74.000 USD/ngày, giảm "chóng mặt" so với con số 63 triệu USD/ngày thời điểm trước khi những thông tin từ thịt bẩn lan truyền. Vụ việc trên còn có thể gây cản trở nỗ lực đàm phán Hiệp định tự do thương mại giữa khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và EU.

Các nhà phân tích kinh tế nhận định, hậu quả của vụ việc còn ảnh hưởng tới cả con số việc làm của Brazil trong ngành nông nghiệp và thực phẩm; khiến sự hoài nghi trong công chúng Brazil gia tăng đối với nỗ lực chặn đà lao dốc nền kinh tế của Chính phủ.

Việt Nam không nhập khẩu thịt từ 21 nhà máy bị điều tra tại Brazil

(HNM) - Ngày 24-3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam không nhập khẩu thịt từ 21 nhà máy sản xuất thịt mà các cơ quan chức năng Brazil đang tổ chức điều tra vì nghi ngờ sử dụng chất gây mất an toàn thực phẩm. Theo báo cáo của các cơ quan thú y cửa khẩu, đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngọc Quỳnh

Kim Phượng