Sau thanh lý, xe "biển xanh" vẫn lưu thông: Khó xử lý vì chưa... tự giác?

Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 25/03/2017

(HNM) - Xe ô tô thuộc cơ quan nhà nước quản lý sau khi thanh lý, chủ sở hữu phải làm thủ tục sang tên, đổi biển. Tuy vậy, ngay tại Hà Nội, do sự thiếu tự giác của bên bán, bên mua, hoặc cả hai bên, nhiều xe ô tô công đã được thanh lý vài tháng, thậm chí vài năm, nhưng vẫn mang

Sau khi thanh lý xe, cần giám sát chặt chẽ việc sang tên, đổi biển.


Cách đây không lâu, một số cơ quan báo chí phản ánh 3 xe "biển xanh" của TP Hà Nội đi lễ hội khiến dư luận hoài nghi về tính thực hư. Mọi việc chỉ sáng tỏ sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, kết luận xe biển số xanh 31A-5975 đi lễ đền Bia Bà (quận Hà Đông), xe 31A-3513 (thuộc Trung tâm Sức khỏe phụ nữ và gia đình) đi lễ hội chợ Viềng và xe 31A-5887 đi đền Mẫu (Hưng Yên), đã được thanh lý, không còn thuộc quyền quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc TP Hà Nội.

Từ những sự việc trên cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố còn nhiều trường hợp xe ô tô "biển xanh" đã được thanh lý, nhưng chủ xe không chấp hành quy định về thông báo đăng ký lại cũng như cá nhân, tổ chức được thanh lý, điều chuyển, cho tặng không đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục để được cấp lại biển số xe. Nhiều xe còn bị người dân bắt gặp thường xuyên chở trẻ nhỏ đi học hoặc để tại nhà…


Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (TNGT), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an thành phố (CATP) Hà Nội, cho biết: Tại Mục 4, Khoản 8, Điều 1, Nghị định 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng (đối với cá nhân); 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng (đối với tổ chức) là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Trong khi đó, so với từ năm 2014 trở về trước, thủ tục sang tên xe, chuyển quyền sở hữu, trong đó có cả trường hợp xe "biển xanh" đã thanh lý, thậm chí, cả với trường hợp xe đã qua nhiều đời chủ, hiện được đơn giản hóa rất nhiều (theo Thông tư 15/2014/TT-BCA). Song không ít trường hợp xe ô tô "biển xanh" sau khi thanh lý, chủ sở hữu vì muốn “oai” hoặc nghĩ rằng được “ưu tiên” hơn khi lưu thông hay khi xảy ra vi phạm nên vẫn cố tình không sang tên, đổi biển số theo quy định. Vì thế, ngay cả khi bị cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp giữ lại biển số xe gốc, thì chủ sở hữu mới vẫn liều mua biển số làm giả lắp vào xe để... "khoe oai"!

Cần tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký lại biển số với những xe công sau thanh lý.


Đại úy Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện - Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội cho biết: Theo Khoản 2, 3, Điều 6, Thông tư 15/2014/TT-BCA, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Xe biển số xanh nếu vi phạm cũng sẽ bị xử lý kiên quyết như những trường hợp khác. Hiện nay, việc quản lý, theo dõi xe biển xanh sau thanh lý thường chủ yếu dựa vào việc chủ xe tự đến làm thủ tục sang tên, hoặc qua thông báo của đơn vị chủ quản.

Đại úy Tạ Ngọc Khánh cho biết thêm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đang làm việc với Sở Tài chính Hà Nội để có số liệu về hồ sơ các xe biển xanh đã thanh lý, trên cơ sở đó tổng hợp để có số liệu chính thức. Tuy nhiên, việc rà soát số xe "biển xanh" đã thanh lý rất khó khăn do các cơ quan, đơn vị khi thanh lý xe thường không thông báo cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân khi mua xe thanh lý thường lạm dụng "biển xanh" với suy nghĩ cho rằng sẽ "thuận lợi" hơn khi lưu thông.

Thiết nghĩ, các xe thuộc cơ quan nhà nước quản lý đã được thanh lý, nhưng chủ xe cố tình không chịu làm thủ tục sang tên, đổi biển cho thấy công tác quản lý xe "biển xanh" sau khi thanh lý vẫn chưa chặt chẽ. Để công tác này chuyển biến tích cực, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý những chủ xe không tự giác chấp hành, cần sự chủ động của các cơ quan, đơn vị khi thực hiện việc sang tên, chuyển quyền sử dụng xe "biển xanh" đúng quy định.

Duy Biên