Xã hội hóa xử lý nước thải: Đã rõ hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 08:17, 25/03/2017
Đa phần làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, cơ kim khí, dệt may… đang ở mức báo động. Hầu hết nước thải xả trực tiếp vào hệ thống kênh mương rồi chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy, khiến hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước như COD, BOD5, NH4, coliform vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nguyên nhân là hoạt động sản xuất làng nghề quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình) nằm phân tán trong khu dân cư, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt, công nghệ thủ công, lạc hậu và đa phần đều không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải.
Tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), lâu nay người dân vẫn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm từ kênh T2 chạy qua địa phận xã. Theo ông Nguyễn Như Hải, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Đồng, ô nhiễm bắt nguồn từ nước thải của cụm công nghiệp (CCN) Dương Liễu xả thẳng ra kênh T2. Cứ từ tháng Chín âm lịch trở đi, khi CCN sản xuất nhiều thì người dân Sơn Đồng càng khổ. Nhà nào cũng phải đóng kín cửa vì mùi hôi thối bốc lên. Nước kênh đen ngòm, nổi váng. Thậm chí, nước tràn vào đồng ruộng làm chết lúa của bà con.
Tương tự, Chủ tịch UBND thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) Lê Đình Khánh phản ánh, CCN Sông Cùng, xã Đồng Tháp và CCN Cầu Gáo, xã Đan Phượng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường của các hộ dân sản xuất nông nghiệp đầm Goòng, thị trấn Phùng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề với nhiều loại hình sản xuất khác nhau. Đa phần các làng nghề đều chưa có hệ thống xử lý nước thải (XLNT). Còn trong 43 CCN, cụm tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, còn 10 CCN đang đầu tư, 6 CCN chuẩn bị đầu tư và 12 CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung.
Giải pháp quan trọng
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thành phố đã quy hoạch các CCN làng nghề để di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các CCN làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. Đặc biệt, việc xã hội hóa đầu tư XLNT được xem là giải pháp quan trọng giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Việc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đầu tư và đưa vào hoạt động khánh thành Nhà máy XLNT làng nghề Cầu Ngà (XLNT cho 3 làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế của huyện Hoài Đức), với 100% vốn của doanh nghiệp là một điển hình rõ nét. Công nghệ xử lý sinh học khép kín bảo đảm không phát sinh mùi thứ cấp. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải công nghiệp, có thể tái sử dụng phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
Theo TS Nguyễn Phương Quý, Giám đốc công nghệ Công ty Phú Điền, trước đó công ty đã tiếp quản và vận hành Nhà máy XLNT Yên Sở, giúp tiết kiệm cho thành phố hàng trăm tỷ đồng, sau khi đề xuất đấu nối thêm nước thải từ các lưu vực về nhà máy xử lý, để nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo vệ môi trường. "Đặc thù của các dự án XLNT là không sinh lợi nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ bằng cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích cả các hình thức đầu tư khác như PPP; rút gọn quy trình thủ tục; hỗ trợ cơ sở sản xuất chi phí xử lý nước thải" - ông Quý đề xuất.
Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng tại cuộc họp về rà soát, kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải trên địa bàn, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố lập đề xuất dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); Dự án xây dựng nhà máy XLNT tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); Dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy XLNT Phú Lương, quận Hà Đông; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy XLNT Sơn Tây, thị xã Sơn Tây để kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Cùng với nỗ lực của thành phố, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và hơn hết là ý thức tự giác tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, môi trường sống của Thủ đô sẽ ngày một cải thiện, đúng với tiêu chí là thành phố xanh - sạch - đẹp.