Sau rượu là… bệnh tâm thần!

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:01, 27/03/2017

(HNM) - Không chỉ gây nhiễm độc cấp tính, lạm dụng rượu, bia còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần.

Bệnh nhân ngộ độc rượu đang được lọc máu tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.


Anh Đỗ Văn T (ở Nghĩa Hưng, Nam Định), dù mới 34 tuổi nhưng đã có "thâm niên uống rượu" gần 20 năm, mang trong mình đủ thứ bệnh. Lần gần đây, anh T được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, nôn ra máu, chân tay run rẩy, nói nhảm… Vợ anh T kể: Anh bị khô gan, bệnh đường ruột, theo bác sĩ, chỉ cần kiêng rượu và uống thuốc theo đơn là bệnh thuyên giảm. Nhưng chứng nào tật đó, anh T uống thuốc được hai tháng thì dừng, còn rượu thì không bỏ ngày nào. Đêm đầu tiên ở Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện - BV- Bạch Mai), vì không được uống rượu anh T đã la hét, mê sảng khiến nhiều người phải lao vào giữ tay, chân...

Tương tự là trường hợp ông Đàm Văn T (57 tuổi, ở Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội), bị xơ gan giai đoạn cuối. Người nhà bệnh nhân cho biết, mỗi lần sức khỏe ổn định và được xuất viện, bác sĩ đều dặn phải bỏ rượu và hẹn tái khám. Dù vậy nhưng ông T vẫn quyết không bỏ "chất cay". "Đến hẹn lại lên", mỗi lần nhập viện không được uống rượu là ông lại lên cơn sảng.

Ông Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi con người uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, số tế bào não chết đi có thể lên đến 10 triệu. Chất cồn vào cơ thể sẽ gây tác động rất lớn đến bộ não, hệ thần kinh, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và khả năng phản ứng chậm đi, ảnh hưởng tới khả năng điều khiển phương tiện giao thông.

Tại Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), trước đây, thi thoảng các bác sĩ mới phải tiếp nhận ca rối loạn tâm thần do sảng rượu nhập viện. Tuy nhiên thời gian gần đây, số ca sảng rượu như ông Đàm Văn T và anh Đỗ Văn T ngày một tăng. Thậm chí có ngày khoa này nhận tới 4-5 ca sảng rượu. Đáng nói là người mắc hội chứng mê sảng ngày càng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 30-40.

Theo TS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), sau vài ngày điều trị bệnh, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện hội chứng cai (còn gọi là rối loạn tâm thần do rượu), trong đó, mức độ nặng nhất là sảng rượu. Triệu chứng "lên cơn" thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4 là mất ngủ, chân tay run lẩy bẩy, vã mồ hôi toàn thân, hoang tưởng, la hét, vật vã.

Tại BV Tâm thần Hà Nội, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh loạn thần do rượu. Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV cho biết, nghiện rượu gây ra ảo giác nhưng hầu hết bệnh nhân không nghĩ mình đang mắc bệnh nên thường không hợp tác với y, bác sĩ.

Việt Nam là một trong 12 quốc gia trên thế giới cho phép người dân tự nấu rượu. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia bằng phương pháp thủ công quy mô nhỏ, không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, việc kiểm soát hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) trong rượu chưa tốt; chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công nên đã gây tác hại khôn lường đến sức khỏe người dùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ở nước ta không có bất cứ sự hạn chế nào về thời gian bán rượu và quy định số lượng rượu được phép bán uống tại chỗ..., vì thế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia tăng quá nhanh. "Nếu không có biện pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia thì trong tương lai, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về mức độ sử dụng rượu, bia chứ không phải thứ 29 thế giới như hiện nay" - ông Long cảnh báo.

Thu Trang