Đặt mình vào vị trí hành khách
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 27/03/2017
Điều đáng nói, hơn 1.000 thiết bị này lại thuộc dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách" được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư từ tháng 1-2014, nhằm chấm dứt việc xả thải ra môi trường. Những người thường xuyên đi tàu hỏa muốn dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, ngay lần đầu sử dụng nhà vệ sinh mới, họ đã lẳng lặng đóng kín cửa bước ra, cùng với thắc mắc không hiểu ngành Đường sắt nghĩ gì về hành khách của mình khi quyết định phê duyệt cho nhà thầu lắp đặt các thiết bị như vậy?!.
Ngay khi có phản ứng từ dư luận, phía ngành Đường sắt đã đổ lỗi do sức ép tiến độ và chi phí hạn hẹp. Trong khi đó, nhà thầu cung cấp thiết bị giải thích, hiện tượng mùi hôi gây khó chịu cho hành khách thời gian qua là do chưa sử dụng đúng cũng như chưa tuân thủ quy trình bảo dưỡng thiết bị.
Vẫn biết ngành Đường sắt của ta còn lạc hậu, nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách còn hạn chế. Tuy nhiên, không vì thế mà quyết định đầu tư dự án một cách cẩu thả như vậy. Hay nói như nhà thầu thì đây là lỗi của người sử dụng, tức là hành khách? Để khẳng định mức đầu tư 110 triệu đồng/bộ thiết bị là cao hay thấp cần có sự đánh giá kỹ lưỡng của cơ quan chức năng, nhưng chỉ cần quan sát phản ứng của hành khách là có thể dễ dàng đánh giá về tính hiệu quả của dự án này.
Liệu khi quyết định đầu tư dự án, lãnh đạo ngành Đường sắt đã đặt mình vào vị trí của hành khách? Mục tiêu dự án đặt ra không nhỏ, nhưng chính cách làm cẩu thả đã khiến dự án bị phản ứng mạnh mẽ như vậy. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương kiểm tra, làm rõ để trả lời hành khách và bảo đảm chất lượng dịch vụ đường sắt.