Cung cấp nước sạch vùng ngoại thành: Kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 28/03/2017

(HNM) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ người dân khu vực ngoại thành được cung cấp nước sạch mới đạt khoảng 35,5%. Việc thành phố đang triển khai một số dự án và kêu gọi xã hội hóa đầu tư sẽ giúp người dân sớm được tiếp cận với nguồn nước sạch.


Được sử dụng nước sạch phục vụ cuộc sống hằng ngày là nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, với hệ thống cấp nước hiện tại, nhu cầu chính đáng của người dân vượt xa so với khả năng cấp nước của TP Hà Nội. Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, tại khu vực nội thành, tổng lượng nước cung ứng so với nhu cầu thiếu khoảng 60.000-120.000m3/ ngày đêm. Trong khi, ở ngoại thành, mới chỉ có khoảng 35,5% người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch.

Dự án cấp nước sạch liên xã Tam Hưng - Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) đang được hoàn thiện, đưa vào hoạt động. Ảnh: Bá Hoạt


Tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 được HĐND thành phố thông qua, việc xây dựng, mở rộng một số nhà máy cấp nước, khai thác nguồn nước mặt, ưu tiên nâng cao chất lượng cấp nước khu vực đô thị và phát triển cấp nước sạch khu vực nông thôn là một trong những nội dung quan trọng.

Tại huyện Thanh Oai, dự án xây dựng mạng lưới cấp nước, trạm bơm tăng áp, tuyến ống phân phối, dịch vụ đấu nối cấp nước đến hộ dân, đáp ứng nhu cầu dùng nước của 11 xã, gồm: Kim An, Kim Thư, Phương Trung, Dân Hòa, Cao Dương, Xuân Dương, Hồng Dương, Đỗ Động, Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu đang được triển khai gấp rút. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 270,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2017. Tại huyện Phú Xuyên, dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch với công suất 10.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư ước tính hơn 199,6 tỷ đồng, cũng dự kiến hoàn thành quý IV-2017. Tại huyện Quốc Oai, Chương Mỹ... một số dự án tương tự đã được khởi động. Sau khi các dự án này hoàn thành, người dân ngoại thành sẽ có thêm nguồn nước sạch tiêu chuẩn phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Để mở rộng nguồn cấp nước cho TP Hà Nội, đầu tháng 3 vừa qua, dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống, có tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng, quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300.000m3/ngày đêm đã được khởi công tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Dự án hoàn thành sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam TP Hà Nội và các vùng phụ cận. Được biết, nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm chất lượng nước có thể uống được tại vòi.

Để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội trong việc phát triển các dự án cấp nước sạch cho vùng ngoại thành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn. Đó là, đối với khu vực chưa có hệ thống nước sạch, cần khoan tìm các nguồn cấp nước. Các nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ lọc nước tiên tiến, ống nước có thời hạn sử dụng từ 30 đến 50 năm, bảo đảm chất lượng nước uống được tại vòi. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp cùng đặt hàng các nhà cung cấp vật tư, thiết bị để hưởng ưu đãi giảm giá, thi công đồng thời trên địa bàn nhiều xã để rút ngắn tiến độ thực hiện dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, triển khai hoạt động của Tổ công tác liên ngành nhằm giải quyết các thủ tục đầu tư dự án ngoài ngân sách, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư cấp nước sạch.

Với sự quan tâm của thành phố, dự kiến các dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch về nông thôn sẽ sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực ngoại thành Hà Nội.

Hương Ly