Nong bao quy đầu cho trẻ tại nhà đúng cách
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:59, 28/03/2017
Thông tin do Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) mới công bố khiến nhiều người giật mình. Đó là, qua khám sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho tổng số 2.675 bé trai tại 35 trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn quận, 1.023 trẻ có bộ phận sinh dục phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1.187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.
Trao đổi với PV HNMO, bác sỹ Lê Anh Dũng cho biết, ông không quá ngạc nhiên với thông tin trên bởi trước đây các bậc phụ huynh ít quan tâm đến việc chăm sóc bộ phận sinh dục cho con em mình dù rằng thời gian qua việc này đã có nhiều cải thiện.
Bác sỹ Lê Anh Dũng-Trưởng khoa Tiết niệu-Bệnh viện Nhi Trung ương |
Liên quan đến việc dính, hẹp bao quy đầu, theo Trưởng khoa Tiết niệu-Bệnh viện Nhi Trung ương, hẹp bao quy đầu có hai loại: hẹp sinh lý và hẹp bệnh lý. Với những trường hợp hẹp bao quy đầu sinh lý, khi lớn lên, bao quy đầu sẽ tự lộn được; còn với trường hợp thứ hai, mỗi khi trẻ đi tiểu, nước tiểu dễ ứ đọng có thể gây viêm dương vật, nhiễm trùng tiết niệu, thậm chí gây viêm bàng quang do nước tiểu bị chảy ngược vào trong. Nếu để lâu, da bao quy đầu sẽ không có khả năng co giãn và không lộn được. Tình trạng này để lâu hơn, khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến việc sinh hoạt tình dục, và đáng lo ngại hơn là sẽ tiết ra chất gây ung thư dương vật.
Tất cả bé trai đều hẹp bao quy đầu, vấn đề là bị hẹp sinh lý hay hẹp bệnh lý mà thôi. Một trong những biểu hiện rõ nhất của hẹp bao quy đầu là khi bé trai đi tiểu, tia nước tiểu không vọt xa, không thẳng mà bị lệch sang một bên, hoặc da bao quy đầu phía dưới bị phồng lên. Bao quy đầu hẹp ở mức nào không thể xác định qua các dấu hiệu này mà phải đi khám. “Nếu thấy tia nước tiểu của trẻ không bình thường hoặc dương vật trẻ bị sưng, tấy, tốt nhất cha mẹ nên cho con đi khám để được tư vấn”, bác sỹ Dũng đưa ra lời khuyên.
Vậy, khi nào nên cắt bao quy đầu? Theo bác sỹ Lê Anh Dũng, chỉ nên cắt bao quy đầu khi bao quy đầu bị hẹp, điều trị bảo tồn mà không có kết quả (da bao quy đầu hẹp và dài, kể cả nong vẫn hẹp, dương vật bị viêm tái phát nhiều lần, da bao quy đầu bị xơ hóa), còn nếu điều trị bảo tồn mà da bao quy đầu vẫn giãn, lộn ra được thì không nên cắt.
Có nên cắt bao quy đầu dù dương vật của trẻ phát triển bình thường? Ở một số nước, việc cắt bao quy đầu bé trai được thực hiện khi trẻ còn bé dù trẻ đó có bị hẹp bao quy đầu ở mức độ nào nhằm tránh ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng, gây ung thư dương vật nhưng ở Việt Nam lại khác, đa số các bậc cha mẹ không muốn thay đổi tự nhiên của con. “Không nên cắt bao quy đầu khi dương vật của trẻ phát triển bình thường, vì sau khi cắt bao quy đầu, việc chăm sóc vất vả hơn, nếu chăm sóc không đúng cách dễ bị viêm nhiễm tại chỗ, có thể biến chứng. Ngoài ra, việc cắt bao quy đầu có thể xảy ra rủi ro như cắt cả niệu đạo, cắt vào dương vật. Việc này dù hiếm nhưng đã từng xảy ra, thậm chí xảy ra tại một số nước phát triển”, Trưởng khoa Tiết niệu nói.
Bác sỹ Lê Anh Dũng nhấn mạnh, việc vệ sinh bộ phận sinh dục và nong bao quy đầu cho trẻ là rất cần thiết, vì đây là biện pháp điều trị bảo tồn cho trẻ, có thể tránh can thiệp bằng cách nong thủ thuật, cắt da bao quy đầu.
Hàng ngày khi tắm cho trẻ, phụ huynh nên vệ sinh và nong bao quy đầu cho trẻ. Việc vệ sinh có thể thực hiện bằng nước thường, không nhất thiết phải bằng nước muối sinh lý. Các bậc phụ huynh có thể vệ sinh và nong bao quy đầu cho trẻ theo cách:
Với những trẻ nhỏ, dưới 5 tuổi, cho nước vào thau (bồn) rồi cho trẻ ngồi vào đó, lấy ngón tay cái và ngón trỏ kẹp vào đầu dương vật trẻ, sau đó kéo da bao quy đầu lên phía trên rồi đẩy xuống phía dưới cho đến khi nhìn thấy niệu đạo. Làm đi làm lại động tác này trong 2-3 phút, khi nào thấy bao quy đầu giãn dần là được. Tuy nhiên, phụ huynh lưu ý không nên giãn bao quy đầu quá căng khi mới bắt đầu làm mà phải thực hiện từ từ để tránh gây chảy máu và khiến trẻ sợ. Việc vệ sinh và nong bao quy đầu như vậy cứ thực hiện cho đến khi bao quy đầu lộn ra, kể cả bao quy đầu lộn rồi vẫn làm hàng ngày vì bao quy đầu vẫn có nguy cơ bị hẹp lại. Trong quá trình nong, nếu thấy cặn bẩn có thể dùng khăn hoặc gạc mềm để lấy ra, việc làm này cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh chảy máu dễ gây viêm, nhiễm.
Với những trẻ lớn hơn, đã đi học tiểu học, cha mẹ có thể hướng dẫn một vài lần để trẻ tự làm. Trẻ có thể đứng rồi làm, vừa nong bao quy đầu vừa dùng vòi nước xả vào đầu dương vật cho trôi các cặn bẩn.
Điều cần lưu ý là, mỗi khi trẻ đi tiểu xong, cha mẹ hướng dẫn cho trẻ dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp vào đầu dương vật kéo da bao quy đầu, "vẩy vẩy" để nước tiểu không đọng lại.
Có một cách nong bao quy đầu khác là nong thủ thuật. Với cách này, lấy dụng cụ y tế để làm giãn rộng bao quy đầu, giúp bao quy đầu lộn được. Việc nong bao quy đầu thủ thuật phải đến cơ sở y tế, không nên làm ở nhà vì dễ gây biến chứng. Kể cả khi đã nong thủ thuật, việc nong ở nhà như hướng dẫn trên vẫn cần được duy trì bởi bao quy đầu của trẻ có thể bị hẹp trở lại.