Đầu tư hạ tầng đồng bộ, khoa học
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 28/03/2017
Hạ tầng giao thông tại phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) được đầu tư hiện đại, đồng bộ ngay từ khi lập phương án xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Anh Tuấn |
Đô thị hóa là tất yếu
Dự thảo, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa (ĐTH) trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2016-2020 đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ. Tại Hà Nội, theo lộ trình, trong những năm tới, nhiều huyện ven đô sẽ hoàn thiện các tiêu chí để trở thành quận. Hiện nay, tốc độ ĐTH ở Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng, nhất là khu vực ven đô, nơi đã tiệm cận các tiêu chí của đô thị.
Theo Phó chánh Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Lê Thiết Cương, Hà Nội đã tư duy đến việc xây dựng huyện NTM đặc thù ven đô từ sớm. Điển hình là huyện Từ Liêm (trước đây) nay là quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Khi xây dựng NTM, Hà Nội đã chỉ đạo huyện Từ Liêm xây dựng quy hoạch gắn với phát triển đô thị. Kết quả đánh giá công nhận xã đạt chuẩn NTM, cho thấy các xã: Mỹ Đình, Phú Đô, Đông Ngạc (trước đây)… đều có diện mạo khang trang, giao thông gắn kết đô thị. Nhờ vậy, khi chuyển thành phường, các xã cơ bản đáp ứng các tiêu chí.
Hiện nay, một số huyện như: Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì cũng đang đề xuất với thành phố có cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị để đạt các tiêu chí lên quận vào năm 2020. Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, theo quy hoạch của thành phố, huyện nằm trong khu vực nội đô mở rộng nên việc xây dựng NTM gắn với ĐTH là việc làm cần thiết.
Tuy vậy, xây dựng NTM trong bối cảnh ĐTH đang đặt ra cho các huyện không ít khó khăn. Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, tác động của ĐTH khiến ô nhiễm môi trường gia tăng. Đặc biệt, sông Cầu Bây chảy qua địa bàn huyện ô nhiễm nặng, người dân không thể lấy nước tưới cho hoa màu, đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ. Hệ thống thoát nước của huyện cũng hạn chế do liên quan đến các huyện, tỉnh giáp ranh. Các tuyến mương, tuyến trục chính thoát nước, hồ điều hòa theo quy hoạch chưa được đầu tư.
Rà soát lại quy hoạch, kết nối hạ tầng
Nông thôn mới ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.Ảnh: Linh Ngọc |
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn tới, chương trình xây dựng NTM tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường. Đề án xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện giúp các địa phương xác định các kế hoạch cụ thể, mang tính đa ngành, thực hiện mục tiêu xây dựng và củng cố vững chắc nông thôn theo các tiêu chí NTM.
Là người nhiều năm gắn bó với vấn đề xây dựng NTM, ông Lê Thiết Cương gợi ý: Khi xây dựng NTM, hầu hết các xã đều lập quy hoạch nông thôn đơn thuần, đến nay, cần phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với phát triển đô thị trong tương lai. Ví dụ, theo quy định của Bộ Xây dựng, đường giao thông nông thôn dân sinh chủ yếu phục vụ đi lại của người dân giữa các cụm dân cư, các hộ gia đình và từ nhà ra đồng; phương tiện giao thông trên các tuyến đường này chủ yếu là xe thô sơ thì đối với những vùng đang có tốc độ ĐTH phải yêu cầu cao hơn, có thể lưu thông bằng ô tô... Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường bởi cho dù kinh tế địa phương phát triển, thu nhập người dân tăng cao nhưng môi trường bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng đời sống...
Hiện nay, thành phố định hướng các địa phương đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi quá trình ĐTH là song song với thực hiện tiêu chí xây dựng NTM cần lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo hướng phát triển đô thị. Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội trên địa bàn huyện Gia Lâm mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý: Gia Lâm nằm trong vùng phát triển mới của đô thị trung tâm phía Bắc sông Hồng, huyện phải gắn phát triển NTM có hạ tầng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu một đô thị trong tương lai gần. Đây cũng là yêu cầu đối với nhiều huyện ven đô khác trong lộ trình lên quận.
Kết luận tại buổi làm việc với huyện Đông Anh đầu tháng 3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết: Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự UBND thành phố tiến hành đánh giá các điều kiện của một số huyện để xác định lộ trình chuyển thành quận theo hướng đồng bộ các lĩnh vực, trong đó có hạ tầng. “Phải tính được đối với các xã đạt NTM hiện nay nếu trở thành quận sẽ phải chuyển dịch thế nào; cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng phải thay đổi ra sao. Nếu không tính toán trước để có bước đi cụ thể cho từng giai đoạn thì đô thị sẽ bị chắp vá; chi phí đầu tư sẽ rất lớn” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Đề án, Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2017. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ: Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. |