WHO cảnh báo dịch sởi bùng phát tại Châu Âu
Xã hội - Ngày đăng : 16:55, 29/03/2017
Theo giám đốc WHO tại khu vực Châu Âu, bà Zsuzsanna Jakab, dịch sởi đang ngày càng lan rộng ở các nước Châu Âu là một điều đáng quan ngại sau nỗ lực của thế giới trong vòng 2 năm qua để bài trừ căn bệnh truyền nhiễm này.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với những dấu hiệu như sốt cao, có những nốt nhỏ màu đỏ trên cơ thể. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, tiêu chảy hay thậm chí viêm não đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng. Phụ nữ có thai mắc sởi có thể bị sảy thai hoặc biến dạng thai nhi. Bệnh sởi có thể lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
Bệnh sởi đang bùng phát tại Châu Âu. |
Pháp, Đức, Italia, Romania, Ba Lan, Thụy Điển và Ukraina là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 474 trên 559 ca nhiễm bệnh từ tháng 1-2017.
Đây là những nước có mức tiêm chủng quốc gia chống lại virus sởi dưới ngưỡng 95% - tỷ lệ cần thiết để bảo vệ dân số khỏi dịch sởi.
Theo WHO, các số liệu thống kê ban đầu vào tháng 2 cho thấy số ca nhiễm bệnh đã tăng vọt ở toàn bộ khu vực Châu Âu, bao gồm Israel, Kazakhstan và Nga.
Bà Jakab kêu gọi tất cả các quốc gia đang có dịch bệnh tiến hành các biện pháp khẩn cấp để ngăn bệnh sởi truyền nhiễm. "Dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục bùng phát ở châu Âu cũng như các nước khác cho đến khi mọi quốc gia đạt mức độ tiêm chủng cần thiết để bảo vệ hoàn toàn người dân”, bà Jakab nhận định.
Hiện tại, Italia và Romania là hai quốc gia có tình trạng nghiêm trọng nhất. Số ca nhiễm sởi tại Italia đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, nguyên nhân do phần lớn phụ huynh không cho con em mình đi tiêm phòng sởi vì tin đồn vắc xin sởi, quai bị và sởi (MMR) có liên quan đến chứng tự kỷ.
Tại Romania, bệnh sởi đã khiến 17 trẻ em tử vong và bùng phát thành dịch khiến hàng ngàn trẻ nhiễm bệnh từ tháng 9 năm ngoái. Đây là hậu quả của nghèo đói và không tiêm phòng vắc xin.
Ở các nước nghèo, nhiều trẻ em không có cơ hội tiếp cận với vắc xin phòng bệnh nhưng theo thống kê từ WHO, trẻ em ở các nước giàu lại có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do phụ huynh nghi ngờ về tác dụng phụ của chủng ngừa.