Quan hệ Nga - Mỹ: Sự điều chỉnh khó khăn

Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 29/03/2017

(HNM) - Trong một động thái khá bất ngờ, Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố trừng phạt 30 cá nhân và tổ chức, phần lớn là từ Nga với lý do vi phạm Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria (INKSNA) của Mỹ.


Những cáo buộc nêu ra chủ yếu liên quan tới việc Nga cung cấp công nghệ tên lửa cho Iran và vi phạm việc kiểm soát xuất khẩu với 3 quốc gia trên, đồng thời nhấn mạnh việc Iran phát triển các công nghệ tên lửa đã khiến tình hình ở Trung Đông thêm phần căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định biện pháp trừng phạt các tổ chức nước ngoài là sự tiếp nối các cam kết buộc Iran có trách nhiệm về hành động của chính mình.

Ảnh minh họa.


Theo giới truyền thông, trừng phạt cũng liên quan đến 19 công ty và cá nhân đã "vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran, Triều Tiên và Syria”. Trong đó, các công ty Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới nhất này là Nhà máy Sửa chữa máy bay 150, Aviaexport, Bazalt, Văn phòng Thiết kế máy móc nhà xưởng Kolomna, Rosoboronexport, Học viện Hàng không dân dụng cao cấp Ulyanovsk, Trung tâm đào tạo Hàng không dân dụng Ural và Học viện Zhukovskiy và Gagarin. Theo thời báo Phố Wall, biện pháp trừng phạt lần này là bước tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump sau những áp lực từ Quốc hội Mỹ nhằm "quy kết trách nhiệm của Iran”.

Trước động thái mới nhất từ Washington, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Mỹ đã đi ngược lại các cam kết ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố. Dù INKSNA cho phép Chính phủ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cá nhân, tổ chức tư nhân và cơ quan chính phủ có liên quan tới hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng Nga cho rằng lệnh trừng phạt này là “khó hiểu và đáng thất vọng”. Washington thậm chí không đưa ra lý do cụ thể mà chỉ dẫn luật của nước này, trong đó cấm các tổ chức và cá nhân hợp tác với Iran và Syria. Theo quan điểm của Mátxcơva, lệnh trừng phạt mới cũng đi ngược lại cam kết của Mỹ về chống khủng bố và làm giảm triển vọng thiết lập hợp tác đa phương rộng mở nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như các nhóm khủng bố khác. Ngay sau khi những thông tin về gói trừng phạt được đưa ra, nhiều luồng ý kiến đã bày tỏ hoài nghi về các dự đoán mang tính tích cực trước đó về sự cải thiện mối quan hệ Mỹ - Nga trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump. Tuy nhiên, lại có những nhận định cho rằng, do lệnh này mang tính “tự động” vì luật pháp Mỹ quy định nếu nước nào bán thiết bị quân sự cho các quốc gia bị cấm thì nước đó sẽ tự động bị trừng phạt. Đồng thời, chúng được đưa ra bởi một bộ máy gần như toàn bộ nhân sự là của chính phủ tiền nhiệm nên được cho là không hoàn toàn phản ánh tinh thần của chính quyền D.Trump. Mặt khác, theo Trung tướng Yevgeny Buzhinsky, nguyên Giám đốc phụ trách các Hiệp ước quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, rất khó để đánh giá chính xác tác động của đợt trừng phạt mới nhất bởi những tài liệu làm căn cứ cho các chỉ lệnh này tới nay vẫn chưa được công bố.

Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng, bước đi này chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cho mối quan hệ giữa hai cường quốc sau khi Mỹ và phương Tây đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Điều này cũng cho thấy triển vọng cho sự hạ nhiệt căng thẳng Nga - Mỹ không phải là chuyện dễ dàng hay có thể quyết định bởi ý chí của một cá nhân nào. Thực tế thì Tổng thống D.Trump đã thường xuyên dành những lời lẽ phản ánh sự nhìn nhận tích cực đối với vai trò của Nga khi ông chạy đua vào Nhà Trắng. Song, đến nay việc điều chỉnh mối quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh vẫn chưa tiến triển mà có phần đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại và các biện pháp trừng phạt vừa công bố là sự thể hiện rõ ràng nhất.

Hoàng Linh