Cần cơ chế khuyến khích

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 29/03/2017

(HNM) - Với sự quan tâm của thành phố, những năm qua, đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô tích cực xây dựng nông thôn mới. Dự kiến, hết năm nay, Hà Nội sẽ có 6 đến 8/14 xã vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Đời sống được cải thiện

Ba Trại có 26% dân số là đồng bào Mường, đang phấn đấu là xã vùng đồng bào dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Ba Vì. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ba Trại Trần Văn Hán cho biết, do xã có diện tích rộng, đường giao thông dài gần 110km, nên so với các xã vùng dân tộc miền núi của Hà Nội, Ba Trại còn khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, xã mới đạt 11 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt, 3 tiêu chí chưa đạt về thu nhập người dân, tỷ lệ hộ nghèo, nhà văn hóa. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã, MTTQ xã đang nỗ lực đoàn kết bà con, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân mạnh dạn sản xuất theo phương thức mới, tích cực đóng góp công, của xây dựng nông thôn mới.

Trường Tiểu học Minh Quang A, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Đỗ Hà


Đồng hành cùng nhân dân xã Ba Trại, UBND quận Thanh Xuân đã hỗ trợ xã xây dựng nhà văn hóa thôn 6 đạt chuẩn. Đây là nguồn động viên để xã nỗ lực hơn, hoàn thành việc xây mới và sửa sang nhà văn hóa thôn 4 và thôn Lâm Nghiệp trong năm 2017. Cũng trong năm nay, toàn xã quyết tâm cứng hóa 1,5km kênh mương cấp 3; thi công 3,3km đường trục thôn, 3,75km trục chính nội đồng; cải tạo Sân vận động đồi Bù Cu với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, MTTQ xã và các đoàn thể đang tích cực phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi; chuyển khu vực chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; gắn biển và phân công trách nhiệm tự quản các đoạn đường, ngõ cho các đoàn thể. Xã phát triển mô hình trồng, sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh các chương trình cho vay vốn, tạo việc làm, giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập...

Với 7 xã vùng dân tộc miền núi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải khẳng định, nhờ sự quan tâm của thành phố và Trung ương, các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao trên địa bàn. Công tác giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm.

Riêng năm 2016 đã có 66 dự án, với tổng kinh phí hơn 341 tỷ đồng được đầu tư vào vùng dân tộc miền núi của huyện. Bên cạnh đó, các dự án chuyển tiếp từ năm 2015 thực hiện trong năm 2016, trong đó có 6 dự án nước sạch với kinh phí 10,2 tỷ đồng và 41 dự án xây nhà văn hóa thôn, kinh phí 82,015 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của các quận nội thành, đã giúp người dân nâng cao chất lượng sống. Kinh tế các xã miền núi tăng trưởng hơn 12%. Thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi ước đạt 26 triệu đồng.

Chăm lo đặc biệt

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải, hàng loạt chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn theo các các Quyết định 551/QĐ-TTg, 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các Nghị định 61/2006/NĐ-CP, 64/2009/NĐ-CP, 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ… được triển khai thực hiện đã và đang hỗ trợ trực tiếp bà con dân tộc miền núi huyện hàng chục tỷ đồng… Đây cũng là nguồn lực quan trọng cho các xã dân tộc miền núi vươn lên.

Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh khẳng định, trong 4 năm (2012-2016), dù điều kiện nguồn thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thành phố đã đầu tư hạ tầng, kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc miền núi hơn 1.237 tỷ đồng. Ngoài ra, các quận nội thành đầu tư xây dựng 46 công trình nhà văn hóa thôn tổng kinh phí 92 tỷ đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Tính đến hết năm 2016, đã có 4/14 xã vùng dân tộc miền núi của thành phố là Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất) và Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã là Đông Xuân (Quốc Oai) và Trần Phú (Chương Mỹ) đạt 16/19 tiêu chí. Các xã Minh Quang, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa (Ba Vì), An Phú (Mỹ Đức) đạt và cơ bản đạt 12-15 tiêu chí, các xã còn lại đạt gần 10 tiêu chí. Đến hết năm 2017, dự kiến sẽ có thêm 2-4 xã dân tộc miền núi của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy vậy, do địa hình xa cách, đây vẫn là khu vực có thu nhập thấp so với mặt bằng chung của thành phố; tỷ lệ hộ nghèo cao, 7 xã vùng dân tộc miền núi của Ba Vì có 10,21% hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của thành phố (cao hơn chuẩn nghèo cả nước).

Để giảm khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bào dân tộc miền núi với đồng bào khu vực đô thị, bên cạnh sự quan tâm chăm lo, đầu tư hiệu quả của thành phố, rất cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trên quê hương mình, đưa vùng dân tộc miền núi phát triển bền vững.

Linh Chi