Sử dụng thịt mát, thịt cấp đông: Chưa quen vì thiếu niềm tin?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 29/03/2017
Thêm vào đó, người tiêu dùng chưa có niềm tin về chất lượng của loại thực phẩm này trong khi những vụ việc thịt "bẩn" được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý như vừa xảy ra ở Bắc Từ Liêm khiến cho việc tạo thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông do các doanh nghiệp trong nước sản xuất sẽ còn nhiều gian nan.
Chưa nhiều người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào thực phẩm cấp đông. |
Nhiều khó khăn
Để hạn chế những bất cập trong công tác giết mổ, tiêu thụ thịt tươi sống, thịt kém chất lượng, thời gian qua ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai chương trình giới thiệu sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông. Sau 3 tháng thực hiện, Hà Nội đã hình thành 8 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gồm: Chuỗi thịt lợn Bảo Châu; chuỗi thịt sinh học Xuka; chuỗi thịt gà Lan Vinh; chuỗi thịt lợn Hapro; chuỗi thịt lợn Liên Việt... Tiếc rằng, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông trong nước gặp vô vàn khó khăn do phải cạnh tranh khốc liệt với thịt đông lạnh nhập ngoại giá rẻ đang bán tràn ngập ở các siêu thị. Khảo sát tại các siêu thị trên địa bàn quận Hà Đông cho thấy, giá thịt cánh gà đông lạnh nhập khẩu chỉ từ 51.000 đến 70.900 đồng/kg, thịt đùi gà đông lạnh là 34.900 đồng/kg…, trong khi giá bán thịt cánh gà công nghiệp chăn nuôi tại Hà Nội là 78.900 đồng/kg, thịt đùi gà công nghiệp 69.000 đồng/kg.
Không chỉ cạnh tranh về giá với hàng đông lạnh nhập khẩu, sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông sản xuất theo hướng an toàn sinh học của Hà Nội còn chật vật cạnh tranh với thịt tươi sống bán ở các chợ truyền thống. Bởi sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông phải theo đúng quy trình từ chăn nuôi an toàn sinh học đến khâu giết mổ, chế biến đóng gói, bảo quản sản phẩm, lại cộng thêm các khoản chi phí kiểm dịch, tem, nhãn…, nên giá thành cao hơn từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg so với thịt lợn tươi sống bán ở chợ truyền thống... Giám đốc Công ty Thịt Xuka Khuất Thị Lan Hương (thị xã Sơn Tây) cho biết, hiện 100% thịt cấp đông của công ty đang bán cho 15 cửa hàng tiện ích, siêu thị nhưng sản lượng nhỏ giọt, trung bình mỗi ngày chỉ đạt 0,3 tấn, trong khi công suất giết mổ của công ty có thể đạt từ 20 đến 30 tấn/ngày.
Ngoài ra, do thói quen sử dụng thịt tươi sống và một số vụ thịt “bẩn” bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua khiến niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông bị "lung lay". Trạm trưởng Trạm Thú y quận Bắc Từ Liêm Bùi Thiện Sơn cho biết, lô sản phẩm bắt giữ trên địa bàn quận mới đây đã bốc mùi hôi thối. Toàn bộ sườn, thịt đông lạnh sản xuất trong nước nhưng không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y. Trên thân thịt lợn có dấu của cơ quan thú y, hạn sử dụng đến hết tháng 12-2016. Đáng nói, dù đã hết hạn sử dụng nhưng thương lái vẫn cố tình mang đi tiêu thụ để trục lợi. “Trong khi các ngành chức năng của Hà Nội đang nỗ lực cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt cấp đông sản xuất theo hướng an toàn sinh học thì việc tồn tại thịt hết hạn sử dụng, thịt ôi thiu trên thị trường khiến cuộc cạnh tranh giữa thịt sạch và thịt “bẩn” trở nên khốc liệt” - ông Sơn nhấn mạnh.
Siết chặt quản lý
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, việc sản xuất thịt cấp đông theo quy chuẩn quốc tế sẽ từng bước xóa bỏ tình trạng thịt “nóng”, thịt “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để thực hiện tốt việc này, phải có sự tham gia của DN. Trong đó, DN đứng ra làm đầu mối để phát triển chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông bảo đảm an toàn thực phẩm. Các DN cho rằng, để hạn chế thịt “bẩn” tuồn vào bán ở các siêu thị, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra thịt tại kho đông lạnh để không xảy ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến những DN làm ăn chân chính. Vấn đề này cũng đặt ra cho sở, ngành liên quan cần tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ vốn cho DN, để đầu tư trang thiết bị, kho lạnh bảo quản thịt theo đúng theo tiêu chuẩn.
Thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể là kênh quan trọng tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông trên thị trường. Để quản lý tốt hệ thống này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng của thành phố tăng cường kiểm tra chất lượng thịt bán ở các siêu thị, chợ đầu mối, kho bảo quản, lấy mẫu giám sát chất lượng, nếu phát hiện vi phạm sẽ tịch thu, tiêu hủy theo quy định. Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố nhằm kiểm soát sản phẩm thịt cấp đông ở các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thịt nhập khẩu, thịt giết mổ tươi sống ở các lò mổ để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.