Cấy ghép điện cực mở ra hy vọng cho người liệt toàn thân

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:11, 30/03/2017

(HNMO) – Phương pháp điều trị mới đã giúp cho người đàn ông Mỹ bị liệt toàn thân có thể sử dụng tay để ăn uống.

Theo BBC, sau một vụ tai nạn xe đạp 8 năm trước, ông Bill Kochevar đã không thể cử động được cơ thể từ phần vai trở xuống . Sau khi tham gia thử nghiệm cho phương pháp điều trị mới của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Case Western Reverse, ông đã khiến mọi người phải ngạc nhiên khi có thể tự điều khiển được cánh tay phải của mình.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là lần đầu tiên một người liệt toàn thân có thể sử dụng não bộ điều khiển sự chuyển động của cánh tay để chạm hay cầm một đồ vật.

Sau 8 năm bị liệt, Bill Kochevar đã có thể dùng tay để cầm cốc nước và làm những động tác đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.


Trong quá trình thử nghiệm, ông đã được phẫu thuật cấy ghép một thiết bị cảm biến vào vỏ não vận động - khu vực chịu trách nhiệm các cử động của tay.

Ông phải dành 4 tháng tập sử dụng bộ cảm biến để điều khiển các cử động của cánh tay ảo ba chiều. Sau đó, ông được cấy 36 điện cực dọc vùng cánh tay và bàn tay để kích thích cử động ở vùng cánh tay, khuỷu tay và cơ bắp vai.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ giải mã để dịch các tín hiệu của não bộ sang các lệnh đến điện cực được gắn ở tay người bệnh. Do vậy, Bill có thể trực tiếp điều khiển cử động cánh tay.

Bill chia sẻ rằng ông rất vui vì sau một thời gian dài nằm liệt, ông đã có thể tự cầm cốc uống nước, gãi đầu và mặt. “Tôi không cần phải quá tập trung vào cử động mà cánh tay tôi có thể chuyển động khá tự nhiên”, ông nói.

Trước đây, nghiên cứu chỉ sử dụng điện cực trên da (thay vì cấy ghép) để giúp bệnh nhân di chuyển tay. Ở một số nghiên cứu khác, người bệnh sử dụng tín hiện não bộ để điều khiển cánh tay robot.

Nhưng với nghiên cứu cấy ghép điện cực, các nhà khoa học tin tưởng rằng đây là một bước tiến vượt bậc trong y học và có tiềm năng được áp dụng rộng rãi ngoài phạm vi phòng nghiên cứu.  

Tiến Đạt