Lễ dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ
Chính trị - Ngày đăng : 11:25, 30/03/2017
Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ. |
Tới dự lễ dâng hương có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; đại diện các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.
Đức vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn - sinh ngày 8-3-974 (tức ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất), mất ngày 3 tháng Ba năm Mậu Thìn (1028). Ông là người thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là làng Dương Lôi, phường Tân Hồ, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Lớn lên, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan, được thăng đến chức Tả thân vệ Điền tiền chỉ huy sứ. Tháng 11-1009, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, trở thành vị vua sáng lập triều Lý. Tháng 7-1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Tháng 3-1028, Hoàng đế Lý Thái Tổ băng hà, trị vì đất nước được 19 năm.
Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thả chim phóng sinh tại Lễ dâng hương. |
Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá Lý Thái Tổ: “Nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam - Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là mưu lược của bậc đế vương”.
Quyết định dời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của vương triều Lý và quốc gia Đại Việt.
Nước Đại Việt thời Lý nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á, trong đó Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của đất nước, nơi hội tụ và kết tinh văn hóa dân tộc.
Dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ là hoạt động nhớ về cuội nguồn, tri ân các bậc tiên đế, tiên điền, giáo dục con cháu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", giữ gìn và lưu truyền mãi mãi những giá trị tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử, văn hoá quý giá của di sản Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hoá thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội.