Sao chép tour du lịch: “Cốc mò, cò xơi”

Du lịch - Ngày đăng : 06:50, 31/03/2017

(HNM) - Một số hãng lữ hành còn tự ý

Việc xây dựng tour có bản sắc riêng là điều kiện cần thiết cho các đơn vị lữ hành phát triển. Trong ảnh: Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang).


Sao chép tour trong... một nốt nhạc

Vietrantour là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư chi phí khảo sát, nghiên cứu, triển khai các tuyến tour Nhật Bản mới và đặc sắc như tour Kyushu - miền Nam Nhật Bản để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, ngay sau khi công bố các chương trình tour trên website, các kênh truyền thông và được nhiều khách hàng đón nhận thì một số đơn vị cạnh tranh không lành mạnh đã nhanh tay sao chép chương trình đưa lên website của họ và “nghiễm nhiên” tổ chức các đoàn khách du lịch đi theo tour tuyến này. Thậm chí, các sản phẩm tour “nhái” này còn được chào bán với giá rẻ hơn do cắt giảm, hạ thấp tiêu chuẩn dịch vụ để hút khách.

Đối với sản phẩm tour nội địa, bên cạnh việc tham gia các đoàn khảo sát được tổ chức bởi Tổng cục Du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch các địa phương, Vietrantour còn cử nhân viên trực tiếp khảo sát các điểm dịch vụ du lịch cụ thể để hoàn thiện chương trình du lịch tiêu chuẩn, đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng. Tuy vậy, những sản phẩm tiêu chuẩn của Vietrantour thường nhanh chóng bị nhấn chìm trong vô số các chương trình tour được “xây dựng” theo kiểu sao chép chóng vánh với giá thành rẻ hơn do tiêu chuẩn dịch vụ kém. Cá biệt, một số hãng lữ hành còn tự ý "mượn" sản phẩm của công ty khác thiết kế để chào bán với giá rẻ khiến doanh nghiệp (DN) bỏ công xây dựng tour, tuyến chịu nhiều sức ép từ phía khách hàng.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho biết: Cách đây gần mười năm, APT Travel là DN đầu tiên triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở làng chài Việt Hải (huyện Cát Bà, Hải Phòng). Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn khi tuyến điểm trên được đưa vào khai thác, rất nhiều công ty đã "biến" hành trình tuyến điểm mới do APT Travel bỏ công xây dựng thành chương trình của công ty mình rồi đưa khách đến làng chài với mức giá thấp hơn...

Trường hợp tương tự là tour du lịch độc thân (Connect tour) dành cho người từ 35 tuổi trở xuống, tham gia tour ngoài việc được trải nghiệm phong cảnh, các bạn còn được chuyên gia tâm lý đi cùng lắng nghe tâm tư, chia sẻ kinh nghiệm tình cảm để tìm “một nửa” của mình do Công ty Du lịch Thiên Lam Travel có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh bỏ công đầu tư xây dựng cũng đã bị một DN du lịch tại Hà Nội sao chép đến 90%.

Cần có chế tài xử phạt

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sao chép sản phẩm tour du lịch tràn lan như hiện nay là do nhiều công ty chưa có phòng nghiên cứu thị trường và thiếu bộ phận chuyên trách nghiên cứu, phát triển sản phẩm; chi phí khảo sát nhiều tuyến điểm để xây dựng sản phẩm tour khá lớn nên các DN nhỏ không đủ tiềm lực để đầu tư khảo sát tuyến, xây dựng tour; việc sao chép các sản phẩm tour hút khách của các đơn vị khác không những tiết kiệm chi phí mà còn giúp họ tránh được nhiều rủi ro trong quá trình đưa sản phẩm mới ra thăm dò thị trường...

Chính vì vậy, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho rằng, việc sao chép tour là một hình thức kinh doanh thiếu văn minh, không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín dịch vụ của các DN kinh doanh du lịch chân chính mà còn ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế.

Để chấm dứt tình trạng này, theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh. “Đối với các DN vô tình vi phạm có thể nhắc nhở lần đầu, nhưng nếu cố tình sao chép tour và "nhái" thương hiệu thì cần xử lý ở mức nặng nhất - rút giấy phép kinh doanh. Theo tôi biết, Luật Du lịch chưa đề cập đến chế tài xử phạt những hành vi nêu trên mà mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung. Do vậy, rất cần bổ sung thêm các điều khoản cụ thể” - ông Lưu Đức Kế nói.

Còn theo ông Lê Công Năng, giải pháp trước mắt là cần xem xét vấn đề đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với tất cả các sản phẩm tour đã được các đơn vị lữ hành bỏ kinh phí đầu tư nghiên cứu, khảo sát để tránh tình trạng “cốc mò, cò xơi”. Ngoài ra, các đơn vị trực tiếp khảo sát mở tour cũng cần tăng cường công tác quảng bá, truyền thông để khách hàng hiểu rõ, đủ tỉnh táo trong quá trình tìm hiểu sản phẩm tour, nắm rõ các hạng mục dịch vụ của tour và biết phân biệt, lựa chọn được đơn vị có uy tín, thương hiệu trên thị trường, tránh trường hợp phải sử dụng các dịch vụ không bảo đảm trong quá trình tham gia tour hay “tiếp tay” cho tình trạng sao chép sản phẩm tour diễn ra như trong thời gian vừa qua.

Lâm Vũ