Thách thức mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 05:39, 31/03/2017
Theo đó, văn bản vừa được ký mang tên “Độc lập Năng lượng” sẽ hủy bỏ lệnh cấm khai thác than tại các vùng đất liên bang và rà soát lại kế hoạch năng lượng sạch với những quy định chặt chẽ nhằm giới hạn lượng phát thải khí carbon tại các nhà máy điện do chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra. Sắc lệnh mới cũng sẽ chấm dứt hoặc xét lại các quy định liên quan đến chống biến đổi khí hậu từ thời chính quyền tiền nhiệm nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch của Mỹ.
Tổng thống D.Trump công bố sắc lệnh đã ký. |
Động thái này cho thấy quan điểm đối lập giữa Tổng thống D.Trump và cựu Tổng thống B.Obama về vai trò của Mỹ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Dưới thời Tổng thống B.Obama, Mỹ luôn đi đầu trong xu thế phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Năm 2015, Tổng thống B.Obama và lãnh đạo gần 200 quốc gia đã ký kết Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự ấm lên của Trái đất.
Không những vậy, Mỹ còn viện trợ hàng tỷ USD nhằm thuyết phục các nước kém phát triển tham gia ký văn bản có ý nghĩa lịch sử này, đồng thời giữ vai trò nhà nghiên cứu và giám sát khoa học hàng đầu cho tiến trình giảm phát thải.
Tuy nhiên, với sắc lệnh mới, ông D.Trump đã rút bỏ phần lớn vai trò đó khi cho rằng các chính sách này “giết chết việc làm” của người Mỹ. Vì thế, ông chủ Nhà Trắng đã ra lệnh xem xét nới lỏng các quy định, hạn chế đã áp đặt lên ngành công nghiệp khoan dầu và khai thác than với mục tiêu làm "sống lại" các ngành này. Tổng thống D.Trump tin rằng, việc hủy bỏ di sản của người tiền nhiệm là bước đi quan trọng nhằm dỡ bỏ rào cản đối với ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ, xóa bỏ sự can thiệp của Chính phủ vào lĩnh vực này và tạo thêm việc làm cho nhiều người dân.
Dù sắc lệnh của Tổng thống D.Trump hướng đến các chính sách trong nước, nhưng rõ ràng đó là một tín hiệu cho thấy Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Ngay từ khi tranh cử, nhà tài phiệt New York đã khẳng định sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris với quan điểm cho rằng sự ràng buộc bởi văn bản này gây hại cho các công ty Mỹ.
Quyết định của Tổng thống D.Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ một liên minh gồm 23 bang, các chính quyền địa phương cũng như các nhóm hoạt động vì môi trường. Những người phản đối cho rằng sắc lệnh mới đã gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe của dân chúng và cam kết sẽ đưa vụ việc lên tòa án.
Trong khi đó, EU đã ngay lập tức thể hiện sự bất bình với hành động của đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương. Ủy viên về hành động khí hậu của EU Miguel Arias Canete nhận định, Mỹ sẽ phải tìm những phương án mới để tiếp tục bảo đảm các cam kết với Thỏa thuận Paris. Còn cựu Thư ký Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Christiana Figueres thì cho rằng, hành động của ông D.Trump đã kéo lùi nước Mỹ trong công cuộc phát triển và bày tỏ tin tưởng các thành viên đã ký thỏa thuận còn lại sẽ tiếp tục đoàn kết vì mục tiêu chung.
Các nhà phân tích đánh giá, văn kiện nêu trên của Tổng thống D.Trump không chỉ phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng lên, gây thiệt hại đáng kể cho nhân loại. Điều này gây ra thách thức mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khiến hàng chục triệu người sống ở các khu vực duyên hải trên hành tinh phải đối mặt với vô vàn rủi ro khi mực nước biển liên tục dâng cao vì sự tăng nhiệt của Trái đất.
Do vậy, những hoài nghi về cam kết của Mỹ liên quan đến các mục tiêu về khí thải toàn cầu ngày càng tăng cao. Dự kiến chính quyền ông D.Trump có thể đối mặt với hàng loạt đơn kiện liên quan đến sắc lệnh hành pháp này trước khi nó có thể đem lại những hiệu ứng tích cực cho nước Mỹ.